Thứ Bảy, 13/06/2015, 16:15 (GMT+7)
.

Thái độ nhún nhường của phụ nữ khiến hành vi bạo hành nghiêm trọng hơn

Bạo lực gia đình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tinh thần của người phụ nữ. Tuy nhiên, điều này ít được chị em chia sẻ trước khi hành vi bạo hành gây nên hậu quả nghiêm trọng.

NHỮNG KẾT CỤC XÓT XA

Trong lúc khốn đốn nhất, M. quyết định gọi cho tôi, bảo rằng bị chồng đánh. Thoạt nghe, tôi cứ ngờ ngợ, vì hàng ngày cô gái ấy rất hồn nhiên với nụ cười luôn nở trên môi, không có vẻ gì của chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trong đời sống vợ chồng.

Đến khi gặp M., tôi không thể nào nhận ra được cô với khuôn mặt sưng tấy, biến dạng bởi những cú đấm như trời giáng của ông chồng trí thức. Lúc này M. mới thừa nhận đây không phải là lần đầu tiên cô bị chồng “hạ cẳng chân, thượng cẳng tay” mỗi khi bất hòa, nhưng đây là lần cô bị bạo hành nặng nề nhất. Sở dĩ M. không nói ra chuyện bị chồng bạo hành do sợ miệng đời cười chê vì cả vợ chồng M. đều có ăn học.

Khi chuyện đau lòng bị vỡ lỡ, hôn nhân không thể hàn gắn, M. và chồng đã ra tòa ly hôn. Đau lòng hơn, quyết định ly hôn của tòa chưa “ráo mực” thì anh chồng “thích làm võ sĩ” với vợ kia đã đưa một cô gái trẻ khác về chung sống và đính hôn ngay sau đó.

Vi phạm hành chính về bình đẳng giới bị phạt tới 40 triệu đồng. Đó là mức xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới được quy định trong Nghị định 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2009.

Nghị định này quy định: Đối với mỗi hành vi vi phạm phải chịu 1 trong 2 hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối thiểu là 200 ngàn đồng, tối đa là 40 triệu đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng 1 hoặc các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng 1 hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh hợp lý trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần… Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất.

Nhìn M., tôi lại nhớ đến người phụ nữ tên L. ở huyện Tân Phú Đông bị chồng đánh gây thương tích nghiêm trọng, được đưa vào điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh. Chị L. cho biết, đã bị chồng là Nguyễn Văn U. đánh vào đầu bằng cây dầu gió.

Nguyên nhân là do anh U. nhậu về rầy con. Thấy vậy, chị L. bênh con nên bị đánh. Trong hơn 16 năm chung chăn gối, chuyện bị đánh khi xích mích hoặc làm trái ý chồng đối với chị L. là chuyện “cơm bữa”.

Lúc thì bầm mắt, sưng mình; khi thì trầy xước chảy máu… nhưng chưa lần nào chị L. bị thương tích nghiêm trọng do chồng đánh như lần này.

Bị chồng đối xử bạo lực như vậy, nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo thì chị L. cho là “không có gì”, “chuyện bình thường mà lên báo làm chi”, “tại lúc đó ảnh nóng giận mất khôn chứ ảnh thương tui lắm”…

Hay như trường hợp của chị Ngọc C. (SN 1977, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) phải nhập viện trong tình trạng bị chấn thương vùng mặt và đầu khiến mặt và mắt của chị sưng, bầm tím.

Đây không phải là lần đầu tiên chị bị chồng đánh tàn nhẫn đến thế. Vậy mà chị C. vẫn cố chịu đựng và cho qua trong một thời gian khá dài. Lần này cũng không ngoại lệ. Vì với chị “bị chồng đánh là điều đáng xấu hổ, có hay ho gì mà để cho người khác biết. Với lại nếu ảnh biết tôi nói ra ngoài thì sẽ không hài lòng và lúc đó chuyện còn tồi tệ hơn. Thôi kệ, con người ta có số!”.

NGUYÊN NHÂN TỪ CAM CHỊU

Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25-11-2010 cho kết quả: Có 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần; 58% phụ nữ được khảo sát cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bạo hành gia đình nêu trên.

Tuy nhiên, con số thống kê được về bạo hành gia đình chỉ là bề nổi, còn trên thực tế số trường hợp bạo hành gia đình trong cộng đồng còn nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng chưa phát hiện được do nạn nhân cố tình che giấu vì xấu hổ. Phần lớn trường hợp bạo hành gia đình chỉ bị phát hiện khi hành vi bạo hành đưa đến hậu quả nghiêm trọng.

Chính thái độ cam chịu, nhẫn nhục, che giấu của phụ nữ đã khiến mức độ bị bạo hành của họ càng nặng nề hơn. Theo báo cáo của ngành Tòa án, trung bình mỗi năm có trên 600 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, trong đó hành vi đánh đập, ngược đãi chiếm 54% trong tất cả các vụ ly hôn.

Số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến giữa năm 2012 toàn tỉnh xảy ra trên 2.000 trường hợp bạo hành gia đình, trong đó có 1.536 nạn nhân là phụ nữ từ 16 - 59 tuổi, nạn nhân còn lại là trẻ em và người già. Hình thức bạo hành chủ yếu là bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, bạo hành kinh tế và bạo hành về tình dục.

Số liệu tổng hợp từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh chỉ có vài chục trường hợp bạo hành bị phát hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mà các cơ quan chức năng thống kê được, còn vô số trường hợp bị ngược đãi, bạo lực trong gia đình xảy ra nhưng vì đây là một vấn đề được xem là tế nhị nên nạn nhân không nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.

Đồng ý là “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng chung sống thì cũng có lúc bất hòa, nhưng việc giải quyết bất hòa đó bằng hành vi bạo lực là không thể chấp nhận. Bạo hành luôn bị lên án, bởi nó ảnh hưởng xấu đến nhiều gia đình, là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình có bạo lực xảy ra.

Bạo hành gia đình để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nạn nhân trực tiếp của nó mà cho cả những thành viên khác trong gia đình, nhất là tác động xấu đối với trẻ em. Đã đến lúc chính mỗi người phụ nữ phải có ý thức tự bảo vệ mình, không thể cứ mãi mặc cảm, nhún nhường trước hành vi bạo hành nhằm tránh những kết cục đáng tiếc xảy ra.                                                                

HOÀNG MAI

.
.
.