Thứ Bảy, 27/06/2015, 11:35 (GMT+7)
.

Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-LĐXH: Nâng bước cho những người lầm đường

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi là Trung tâm) tọa lạc tại ấp 7, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành là nơi điều trị (cai nghiện), giáo dục cho các đối tượng mại dâm và ma túy. Phó Giám đốc Trung tâm, chị Lê Thị Ánh Hồng cho biết: “Trung tâm hiện có 73 học viên (HV), trong đó có 19 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 5 đối tượng sau cai nghiện, số còn lại là đối tượng cai nghiện tự nguyện”.

Các HV cùng chị Ngọc Liên, cán bộ Trung tâm trong buổi giao lưu văn nghệ.
Các HV cùng chị Ngọc Liên, cán bộ Trung tâm trong buổi giao lưu văn nghệ.

Phó Giám Đốc Trung tâm Lê Thị Ánh Hồng cho biết, năm 2014 Trung tâm đã mở 3 lớp dạy nghề: Sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng và cắt tóc nam cho 48 học viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được chú trọng nhằm tăng cường nhận thức, thái độ, hành vi của HV đối với cán bộ và tập thể của mình, rèn luyện nhân cách và sinh hoạt với nhiều chủ đề “Không người nhiễm mới HIV/AIDS” để nâng ý thức cho học viên có HIV, tự chăm sóc mình và tránh lây lan cho mọi người xung quanh; đồng thời giúp cho các HV hiểu, không kỳ thị người có HIV; phân tích những tác hại của ma túy để HV nhận thức đúng, sai về việc làm của mình mà rèn luyện tốt…

Môi trường sống của HV được đặc biệt quan tâm như: Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, lao động, sinh hoạt văn nghệ, rèn luyện sức khỏe bằng các môn thể thao hay chăm sóc HV lúc bị bệnh, sau cai nghiện… Vì vậy, HV vào đây đều có sự thay đổi về thể chất lẫn tinh thần.

Đa phần học viên mới vào đều “cứng đầu”, có người gia đình bất trị, không ít người tỏ thái độ bất cần và chai sạn cả cảm xúc. Họ bày ra lắm trò để gây khó khăn cho cán bộ quản giáo như: Đào tường, phá cửa, lừa cán bộ để trốn chạy ra ngoài; giả bệnh để không tham gia sinh hoạt tập thể, lao động…; nuốt các vật có thể lấy được để tự tử, nuốt giấy bạc để được đưa đi cấp cứu… nhưng với kinh nghiệm nhiều năm như y sĩ Mạnh Hùng, Ngọc Liên và tấm lòng rộng mở nhưng nghiêm khắc của Ban Giám đốc Trung tâm, những đối tượng “cứng đầu” ấy dần dần thay đổi.

HV Nguyễn Duy N., 25 tuổi (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Tôi vào đây đã được 2 tháng rưỡi. Hồi đó, ngoài giờ buôn bán giúp gia đình, tôi theo bạn bè vui chơi, rồi một ngày họ mời tôi thử. Họ nói hàng đá nhẹ lắm, không gây nghiện… và tôi thử, rồi nghiện. 1 năm sau, vợ tôi phát hiện, cô ấy khóc nhiều lắm, cha mẹ khuyên lơn và tôi đã nghe lời vào trung tâm. Giờ đây tôi hiểu được tác hại của các loại chất gây nghiện cho sức khỏe, cho hạnh phúc gia đình. Khi về với gia đình tôi sẽ tìm việc làm phụ vợ nuôi con, tránh xa những người bạn cũ để không bị cám dỗ”.

Thái Hoàng N., 29 tuổi (ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) thì có “thâm niên” đến hơn 7 năm sử dụng hàng đá. Do tinh thần bế tắc, bất mãn và buồn chuyện gia đình gãy đổ, nhớ con nhưng không chia sẻ cùng ai, N. tụ tập cùng bạn bè rồi tìm quên với thứ chết người ấy.

“Mẹ biết được đưa tôi đi cắt cơn ở Bình Phước. Tôi quay về lại bị lôi kéo, lần sau mẹ đưa tôi đi cai nghiện ở Nghị Xuân nhưng về nhà chẳng được bao lâu tôi lại tiếp tục con đường cũ. Lần này vô đây được cán bộ ân cần, bạn bè giúp đỡ, được lao động, vui chơi… tôi thấy yên tâm, ngủ ngon hơn, quên hết chuyện buồn, tinh thần ổn định. Khi trở về gia đình, tôi sẽ học nghề, phụng dưỡng cha mẹ” - N. chia sẻ.

Còn Nguyễn Văn T. 26 tuổi (phường 2, TP. Mỹ Tho) là đối tượng bắt buộc cai nghiện. T. theo bạn xấu tụ tập ăn chơi, hút hít, không hề biết tác hại của loại thuốc gây nghiện này. Bà con khu phố bắt gặp khuyên lơn nhưng T. bỏ ngoài tai. Hơn 15 tháng vào Trung tâm được sự giáo dục của các cô, chú, T. tịnh tâm và thấy những lời khuyên của cô bác trước kia thật  chí lý.

T. hớn hở nói: “Em đã được học nghề, về nhà xin mẹ một số vốn mở cửa hiệu tạp hóa buôn bán, làm nghề sửa điện gia dụng và cưới vợ. Em không để thời gian trống rồi đi chơi và sa ngã nữa. Sống làm sao cho có ý nghĩa và mọi người thương mến mình”.

Người học viên cuối cùng được gặp đã làm chúng tôi ray rứt bởi Lê Thị Bích N., sinh năm 1994 (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) còn quá non trẻ. Chị Ánh Hồng cho biết: “Khi đưa Bích N. vào đây, mẹ em đặt hết niềm tin ở chúng tôi bởi Bích N. nghiện rất nặng, người gầy và xanh xao. Những ngày cắt cơn cô bé đuối sức đến độ bạn cùng phòng và chúng tôi phải thay nhau dìu em đi, đút cháo cho em và động viên an ủi…”.

Bích N. nói: “Hồi mới vô em chỉ có 39 kg, nay em đã tăng lên mấy kg, mẹ đến thăm và mừng lắm. Nhờ các cô, chú ở đây dạy bảo, em cảm thấy mình có lỗi. Mẹ nói sau này sẽ đưa em về sống với chị hai, em sẽ học uốn tóc và quyết tâm không đi theo đường cũ”.

Chị Lê Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: “Chúng tôi rất vui khi được gia đình các đối tượng tin tưởng, gởi gắm con em vào chữa bệnh, cai nghiện, rèn luyện. Chúng tôi cố gắng khi cánh cửa Trung tâm mở ra sẽ có những con người mới, khỏe mạnh cả tinh thần và thể chất trở về hòa nhập với cộng đồng, xây dựng một tương lai tươi sáng”. 

ÁI QUỲNH

.
.
.