Anh Nguyễn Hữu Chất: Tỏa hương nơi vùng sâu gian khó
Đến thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), hỏi thăm anh Tám Chất hầu như ai cũng biết. Bởi anh sống gần 50 năm ở chợ Bà Bèo, từng làm ở nhà máy đường, làm nông dân và chạy “xe ôm” chở khách len lỏi khắp ngõ ngách Đồng Tháp Mười.
Chạy “xe ôm” - nghe đơn giản vậy nhưng với Nguyễn Hữu Chất là những năm đáng nhớ. Hồi đường heo hút, dân chủ yếu là lội bộ, dùng xe đạp, cần kíp lắm mới gọi “xe ôm”. Người chạy “xe ôm” vừa là bạn đường giúp đỡ khách.
Tám Chất sẵn sàng phục vụ khách bất cứ giờ nào, rất cẩn trọng. Cũng nhờ đó anh quen biết nhiều. Gan dạ, sẵn lòng giúp người khó khăn bởi anh là bộ đội vượt Trường Sơn, trải qua khốc liệt và gian khổ. Sau hòa bình lại lập nghiệp tại Bà Bèo - vùng đất heo hút, phèn chua, rốn lũ. Khổ thì thương người khó vậy thôi!
Tác giả và anh Tám Chất (bên trái). |
Tôi đi khai hoang, quen gia đình anh từ năm 1988. Mấy đứa con của anh buổi sáng ăn khoai luộc hay cơm nguội rồi đi học. Cứ tưởng sắp nhỏ học hành quấy quá. Cha mẹ lo kiếm ăn. Trường nơi “khỉ ho cò gáy”. Không nghe anh nhắc chuyện học của mấy con.
Năm 2011, gặp anh ở Trung tâm Hội nghị tỉnh, dự Hội nghị biểu dương gia đình hiếu học cấp tỉnh. 5 đứa con gái của anh đều tốt nghiệp Cử nhân kinh tế, ngân hàng, mới biết sự nỗ lực và tư chất thông minh, vượt hoàn cảnh của một gia đình vùng sâu khó khăn nhất tỉnh.
Ở thành phố, kinh tế khá giả, nuôi được 1 đứa con tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định đã “trần ai, sốt vó”. Đằng này, anh nuôi 5 đứa con thành đạt. Một đứa tiêu tốn bằng cái nhà lầu! Bao công của? Kể không xiết!
Vào cái tuổi 57 - 59, đang khỏe mạnh, Tám Chất bủn rủn tay chân: Huyết áp, đường huyết cao, lao phổi… Anh phải dừng mọi việc. Ngồi không thời gian lê thê, cái bụng bồn chồn. Tiền xài hàng tháng thì thoải mái:
Tiền thương binh, tiền hỗ trợ người bị nhiễm chất độc da cam của Nhà nước tổng cộng gần 5 triệu đồng/tháng, tiền các con lo cho, tiền bán cây tràm, bạch đàn vợ chồng trồng mấy chục năm trước. Nhưng bản chất ham làm, quen sinh hoạt của người “không bao giờ biết bệnh viện”, lúc này lại phải vô viện thường xuyên. Chính vì thế mà anh hoang mang, gần như suy sụp…
Qua cái tuổi hạn, con gái út tốt nghiệp đại học, có việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, anh vui hẳn lên. Một gia đình hiếu học, anh là đại biểu danh dự họp mặt ở Trung tâm Hội nghị tỉnh, được Báo Ấp Bắc đăng tin. Nó như thuốc kỳ diệu giúp anh khỏe mạnh, lấy lại phong độ trước đây. Tôi đến thăm thấy anh vui vẻ, hoạt bát, da rám nắng, chân tay săn chắc.
Tám Chất bảo: “Anh đang trồng nấm bào ngư, trồng gừng trong bao theo dân ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dang nắng suốt nên da đen và gầy đi. Vậy mà ăn được, ngủ ngon, cảm thấy thoải mái lắm!”.
Hồi trước, uống ly rượu là mặt mày anh đỏ tía, bức rức. Giờ uống với tôi một xị anh vẫn tỉnh như không! Anh bảo: “Mình lao động đều đặn. Ngày thu hoạch nấm phải làm gấp giao cho bạn hàng. Làm nhiều nên ăn cơm rau vẫn ngon. Mấy đứa con mua sữa cao cấp, tổ yến, sâm nhung… nhưng cơm rau đạm bạc vẫn hơn. Đúng là khỏe thì cơm rau…”.
Năm 2014, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen là thương binh sản xuất - kinh doanh giỏi. 5.000 bịch nấm bào ngư, ngôi nhà lá dừa nước, mấy trăm bao gừng với số vốn chỉ vài chục triệu đồng. Cái quan trọng là tạo việc làm, niềm vui tuổi già. Thời gian về nghỉ hưu, nếu ngồi không nó ngưng đọng, nặng nề và lê thê lắm! Làm việc là cách giải tỏa tâm trạng, cho thời gian êm trôi nhẹ nhàng và khẳng định: Mình vẫn sống hữu ích!
Nguyễn Hữu Chất gốc Thanh Chương, Nghệ An, quen cực khổ: “Có phải vậy mà anh nỏ về. Hay là anh chê quê em nghèo đói. Đất Thanh Chương nhút mặn tương cà…”. Chính quê hương văn hóa vùng tạo nên phẩm chất cần cù, hiếu học, giúp nhà anh bén rễ xanh cây nơi phèn chua, rốn lũ. Bà Bèo hôm nay chẳng “bèo” nữa đâu. Sức lao động bền bỉ, cần mẫn của nông dân khai hoang và kế hoạch, tiền của Nhà nước, của tỉnh Tiền Giang đã thức dậy, đã làm phổng phao thịt da huyện mới.
Trong đó có công sức của những cựu chiến binh như Tám Chất. Khi mình yêu đất, tưới mồ hôi cho đất thì đất chẳng bao giờ phụ người. Đồng Tháp Mười chọn người hay người chọn đất ấy? Bao người chịu không thấu đã bỏ ra đi? Gần nửa thế kỷ gắn bó, vui buồn nơi ấy đã nói lên tất cả về anh, về những người lam lũ, chân mộc như thế!
Có 2 điều không đổi, thành phẩm chất long lanh trong gia đình anh là: Cần cù, sống bằng nỗ lực lao động và là truyền thống hiếu học, lòng hiếu thảo. Anh nói: “Ngoài Huế có một làng sống thọ nhiều cụ trên trăm tuổi. 85 tuổi vẫn coi còn ít tuổi. Bí quyết của họ là ăn uống đạm bạc, con cá, lá rau trong vườn nhà. Cả làng chia sẻ ngọt bùi, tối tối gọi nhau uống chè xanh…”.
Nguyễn Hữu Chất đang tiến tới 70 mà vẫn rắn chắc. Tôi nghĩ rằng: Lao động nhẹ nhàng tạo động cơ, niềm vui, là cách “dưỡng sinh” tự nhiên làm tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống?
Điều thứ hai là: Con cái chịu học, tự lo việc làm ổn định, biết thương yêu cha mẹ. Nỗi lo nhất của cha mẹ khi về già là bị con cái bỏ rơi. Có gia đình sắm biệt thự, xe hơi cho con trị giá hàng trăm cây vàng mà cuối đời vẫn lạnh lẽo, cô đơn! Gia đình Tám Chất tằn tiện cái ăn, tập trung cho 5 đứa học tới nơi tới chốn. Giờ xế chiều, nhà anh chị vẫn ấm áp, con có cơ hội báo đáp cha mẹ.
Bài học từ anh là: Giáo dục tính tự lực, yêu lao động từ bé, cho chữ nghĩa và tình yêu thương. Các con học trong trường học, bước ra đời tự xoay xở sống đàng hoàng, chân chính. Anh rất vui sướng khi kể về các con: “Út Linh giúp cha mẹ bán nấm trên mạng, cháu chuẩn bị du học ở Úc”. Không ai giàu ba họ, chẳng ai đói khó ba đời. Cha mẹ nhẫn nhịn dành phần cho đời con... Gọi là dành cái phúc đức cho con. Cây lộc, phúc nhà anh xanh tốt bền lâu…
Nhất hay chữ, nhì giữ đất. Tám Chất vừa bám đất gieo trồng, vừa có con học giỏi. Chúng học giỏi, có nghề nghiệp mới báo hiếu được. Những gia đình con cái bỏ học nửa chừng, kết cục ra sao các bạn cũng rõ.
Nguyễn Hữu Chất tính nết thật thà, chân chất, hàng ngày đi đôi dép nhựa cũ, quần áo tuềnh toàng, lẫn vào những người nông dân bình thường khác. Trong nhà có đủ cả nhưng tính anh thích sống vậy. Anh xứng đáng là gương sáng của người xứ Nghệ, anh bộ đội Cụ Hồ, người thương binh tiêu biểu ở huyện Tân Phước. Bông hoa tỏa hương nơi vùng sâu gian khó đang hiện hữu trước mặt tôi đây, cần chi tìm ở đâu xa.
Khách tới thăm, nhà lầu ở chợ thường đóng cửa. Qua cái chòi lá mới thấy người đàn ông mày rậm, tầm thước đang lui cui bên những bịch nấm bào ngư, bên những cây gừng lá đậm màu xanh. Nó như bầu bạn lặng im mà thủy chung với người.
NGUYỄN THANH XUÂN