Anh Trần Văn Dân: Cán bộ Công đoàn tận tâm với công việc
Trong ngành Y tế, nhắc đến anh Trần Văn Dân, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế, ai cũng công nhận rằng, anh là một cán bộ Công đoàn luôn gần gũi, quan tâm người lao động, hết lòng vì công việc. Anh tham gia cách mạng từ năm 1974, sau đó công tác ở Thành đoàn Mỹ Tho, rồi Liên đội Thanh niên xung phong Thủ Khoa Huân. Năm 1979, anh về công tác ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Năm 1987, anh thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế - Lao động và Công đoàn ở Hà Nội và theo học với thời gian 4 năm.
Học xong, năm 1991 anh được cử làm cán bộ chuyên trách Công đoàn ngành Y tế Tiền Giang, đến năm 2004 được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành. Anh là một trong những cán bộ Công đoàn được người lao động (NLĐ) tin yêu và quí mến. Vốn xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở nông thôn nên anh luôn thấu cảm trước cuộc sống của NLĐ.
Mỗi khi đi công tác xuống cơ sở, anh luôn dành thời gian tiếp xúc, chuyện trò với anh, chị em công đoàn viên (CĐV) làm việc ở những lĩnh vực vất vả nhất như: Điều dưỡng, hộ lý, lái xe, bảo vệ... để tìm hiểu về đời sống gia đình, công việc, thu nhập và những tâm tư, nguyện vọng của những người mà anh gặp.
Sau đó, anh đề xuất với lãnh đạo đơn vị giải quyết cho người lao động vừa có lý, có tình đúng với quy định của Luật Lao động hiện hành về những chế độ như: Lương, phụ cấp, độc hại, thời gian làm việc... Cuộc sống của NLĐ luôn làm anh trăn trở, suy nghĩ làm sao để giúp cho tất cả CĐV được hưởng đúng với tiêu chuẩn của mình.
Những lần về thăm cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa, anh Dân trăn trở rất nhiều khi thấy hoàn cảnh gia đình của một số người quá vất vả, nghèo khó, bệnh tật. Anh đã cùng với tập thể cơ quan cố gắng vận động nhiều nguồn và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là đã xây dựng 19 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, Mái ấm Công đoàn cho CĐV, NLĐ ngành Y tế gặp khó khăn về nhà ở, trong đó anh đã vận động Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và các nguồn khác được 220 triệu đồng.
Qua nhiều năm liền công tác, anh Dân luôn trăn trở một điều là phải cố gắng góp phần làm giảm đến mức thấp nhất những trường hợp CĐV, NLĐ trong ngành còn gặp khó khăn. Để làm được điều này, đòi hỏi cán bộ Công đoàn phải có cái tâm, sâu sát tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CĐV và NLĐ.
Anh Dân chia sẻ: “Ngành Y tế là một ngành đặc thù nên cán bộ, công chức, NLĐ ngành Y tế phải đối mặt với nhiều áp lực của công việc và cuộc sống. Do vậy, nếu không quan tâm hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh khó khăn thì họ khó mà yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Với những đóng góp cho Công đoàn ngành cũng như sự tin yêu, tín nhiệm của CĐV và NLĐ ngành Y tế, anh Trần Văn Dân đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Trưởng cụm 11 Công đoàn Y tế Việt Nam phụ trách các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và Vĩnh Long trong các kỳ Đại hội Công đoàn ngành từ năm 1988 đến nay. Năm 2010, anh được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Sở Y tế. Năm 2012, anh vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Huân chương Lao động hạng Ba.
Với nụ cười thật tươi, anh Dân cho biết, anh vừa tham dự Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ 9 (giai đoạn 2010 - 2015) tại Hà Nội, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào ngày 5-7 vừa qua.
Thấy anh tất bật lo toan công việc, ít ai biết rằng, anh vừa vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo cách nay không lâu. Nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời và siêng năng làm việc với niềm vui lớn nhất là làm sao chăm sóc và bảo vệ thật tốt quyền lợi của NLĐ mà cả cuộc đời anh đã và đang dành tất cả sức lực và tâm hồn của mình để phục vụ.
Bác sĩ NGUYỄN THÀNH ÚC