Thứ Hai, 13/07/2015, 14:28 (GMT+7)
.

Chị Lại Thị Hên: Người "giữ lửa" cho nghề truyền thống

Nói đến nghề đương bàng ở các xã “kiến họ” Tân của huyện Châu Thành thì ai cũng biết. Bởi xưa kia nơi đây là vùng đất nhiễm phèn nặng nằm ven vùng Đồng Tháp Mười, cánh đồng mênh mông với cây bàng, cây đưng bạc ngàn trải rộng.

Chính cây bàng, cây đưng hoang dại đã tạo nên chén cơm manh áo cho bao con người sống lâu đời nơi đây. Sau ngày giải phóng, vùng Đồng Tháp Mười được khai phá, diện tích cây bàng đã dần thu hẹp và từ đó nghề truyền thống này tưởng chừng như mai một.

Chị Hên với các sản phẩm của mình.
Chị Hên với các sản phẩm của mình.

Đáng mừng là những năm gần đây, tại xã Tân Lý Đông và xã Tân Hội Đông đã khôi phục trở lại nghề truyền thống lâu đời này. Điển hình là chị Lại Thị Hên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông, là một trong những người có công “giữ lửa” cho nghề này.

Chị Hên cho biết: “Tiếp nối truyền thống cha ông ta ngày trước sống bằng nghề đương manh, đương đệm, chị làm nghề đến nay khoảng 20 năm. Nhờ nghề này mà kinh tế gia đình được ổn định. Hiện nay, cơ sở của chị do làm ăn có uy tín nên được Công ty Thảo Anh và Công ty Barotex (TP. Hồ Chí Minh) đặt hàng xuất khẩu.

Có rất nhiều sản phẩm phục vụ khách hàng trong và ngoài nước như: Giỏ xách các loại, tụng bàng lớn nhỏ, đệm, manh (có trên 10 mẫu mã đẹp). Hiện nay, mặt hàng túi xách loại nhỏ hút hàng. Cơ sở của chị hiện có trên 100 chị em hội viên và ngoài hội tham gia sản xuất. Tùy theo mặt hàng, người có thu nhập ít nhất cũng khoảng 40 - 50 ngàn đồng/ngày, người đương giỏi thu nhập từ 90 - 100 ngàn đồng/ngày.    

Biết cảm thông với người nghèo, ngoài tạo việc làm, chị còn hỗ trợ ứng vốn trả dần cho chị em làm ăn. Chị Hên bán nguyên liệu (bàng) với giá vốn không tính lãi, mỗi người nhận mỗi lần 10 đôi bàng (giá thấp 300.000 đồng/10 đôi, giá cao 500.000 đồng/10 đôi).

Chị còn giúp cho chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn mượn tiền để trang trải trong gia đình khi gặp hữu sự và trả dần theo sản phẩm. Và đây cũng là cách làm ăn vừa mang tính trợ giúp, vừa ràng buộc tình nghĩa với nhau, nên cơ sở của chị được duy trì và bền vững đến ngày nay.

“Ngoài việc làm ăn, chị Hên còn là Chi hội trưởng Phụ nữ ấp. Do điều kiện thuận lợi trong việc gần gũi làm ăn với chị em hội viên, chị vận dụng thời gian tổ chức sinh hoạt Hội, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình trọng tâm của Hội và tham gia tốt các phong trào tại xã.

Hàng năm, Chi hội của chị Hên đều đạt vững mạnh xuất sắc, đã được các cấp Hội Phụ nữ đánh giá cao” - Đó là nhận xét của chị Lê Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lý Đông về người cán bộ Hội năng nỗ của mình.

ANH TUẤN

.
.
.