Thứ Sáu, 10/07/2015, 06:02 (GMT+7)
.

Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KKHGĐ: Thành quả và thách thức

Tỉnh Tiền Giang đã và đang nỗ lực lớn nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản (SKSS), duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức mới.

Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.
Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.

THÀNH QUẢ LỚN

Trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác DS-KHHGĐ được đẩy mạnh. Những cán bộ làm công tác dân số đã thông tin tuyên truyền, góp phần tích cực đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ đến mọi người dân.

Từ đó nâng cao nhận thức, chuyển biến tâm lý và làm thay đổi những tập tục lạc hậu trong đa số bộ phận nhân dân; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của xã hội về dân số, SKSS, KHHGĐ, thúc đẩy nhanh số người tự nguyện chấp nhận và thực hiện các biện pháp tránh thai. Quy mô gia đình ít con ngày càng được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng và chấp nhận thực hiện, từng bước trở thành chuẩn mực xã hội.

Cùng với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, công tác DS-KHHGĐ được các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tích cực tham gia. Nhiều mô hình truyền thông dân số được xây dựng và triển khai trên cơ sở thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể để tiếp cận với từng nhóm đối tượng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “không sinh con thứ 3”, “nhóm nhỏ cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ tăng thu nhập”; Liên đoàn Lao động vận động phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Câu lạc bộ gia đình trẻ” và “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”; ngành Y tế với “Tăng cường đưa dịch vụ y tế đến cơ sở”; giáo viên, bộ đội biên phòng cũng tham gia làm truyền thông dân số...

Song song đó, hệ thống thực hiện dịch vụ KHHGĐ được phủ kín, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc thiết yếu tại các cơ sở kỹ thuật dịch vụ bảo đảm đúng quy định, đạt tiêu chuẩn về y tế và cung ứng các phương tiện tránh thai cho mạng lưới dịch vụ và qua mạng lưới cộng tác viên dân số trên khắp các địa bàn dân cư.

Từ nền tảng đó, trong 5 năm qua, ngành DS-KHHGĐ đã vận động mới gần 75% cặp vợ chồng thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ việc áp dụng biện pháp KHHGĐ tốt đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm tỷ suất tăng dân số tự nhiên của tỉnh xuống còn dưới 9%.

Tiền Giang thuộc nhóm tỉnh có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiện là 1,88 con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 4,15%; chỉ số giới tính khi sinh đã dần trở về trạng thái cân bằng, hiện chỉ số này đã giảm xuống mức 109,5 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 30% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 50%...

Song song với công tác vận động giảm sinh và hạn chế tình trạng sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành DS-KHHGĐ còn thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS. Những cộng tác viên dân số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, cung cấp kiến thức giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc SKSS.

Cán bộ dân số đã trực tiếp đến tư vấn, cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên trong các trường học trên địa bàn tỉnh; đồng thời dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng gần gũi, thân thiện hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

NHỮNG THÁCH THỨC

Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 được tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đang vấp phải không ít khó khăn.

Chủ đề của Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đưa ra là: Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong khủng hoảng.

UNFPA cho rằng phụ nữ và trẻ em gái rất dễ bị tổn thương trong các trường hợp khẩn cấp và có những nhu cầu cụ thể mà thường bị bỏ qua trong khủng hoảng. Bảo vệ sự an toàn, nhân phẩm và sức khỏe của họ để đảm bảo cho hạnh phúc của gia đình và cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, Việt Nam kêu gọi hành động “Hỗ trợ chăm sóc SKSS và KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, những khó khăn có thể kể đến: Điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện với người chưa thành niên và thanh niên chưa thể triển khai rộng rãi do Bộ Y tế và các cục, vụ thuộc Bộ Y tế không có hướng dẫn và không có kinh phí thực hiện nội dung này.

Trong khi đó nhu cầu của xã hội ngày càng tăng cao. Người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, hoạt động này lồng ghép với các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.

Thực tế người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng ngày càng gia tăng nhưng chưa có bộ công cụ, chưa thống kê được tăng bao nhiêu.

Mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên toàn tỉnh ở mức thấp nhưng không đồng đều giữa các địa phương, một số xã tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao..., vẫn còn công chức, viên chức sinh con thứ 3. Người dân chưa quen với việc tự chi trả để sử dụng biện pháp tránh thai nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai do Tổng cục DS-KHHGĐ giao chưa cao.

Đặc biệt, kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ dự kiến không còn từ năm 2016 sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động và các chỉ tiêu DS-KHHGĐ trong những năm tiếp theo.

Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ - SKSS giai đoạn 2015 - 2020” được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 818/QĐ-BYT ngày 12-3-2015. Theo đề án này, từ năm 2016, phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ - SKSS không còn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ, sẽ xã hội hóa dần. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dịch vụ kỹ thuật vẫn chưa được quy định giá. Điều này sẽ gây ảnh hưởng, chậm thực hiện xã hội hóa và các chỉ tiêu kế hoạch về DS-KHHGĐ.

Có thể nói, Tiền Giang đã thực hiện đạt kết quả tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015. Nhiệm vụ đặt ra với công tác DS-KHHGĐ trong những năm tới sẽ khó khăn hơn. Thách thức của công tác DS-KHHGĐ là làm thế nào để trong điều kiện kinh phí hạn chế vẫn phải thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm như duy trì mức sinh thấp hợp lý để kéo dài giai đoạn “dân số vàng”; nâng cao chất lượng dân số ngay từ đầu đời; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; cải thiện tình trạng SKSS vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên; thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”.

THỦY HÀ

.
.
.