Đề án "Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm" đạt hiệu quả thiết thực
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Thành vừa tổng kết đánh giá thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm" giai đoạn 2010 - 2015.
Chị em dệt chiếu. |
Trong 5 năm qua, các cấp hội PN đã tập trung tuyên truyền cho gần 30 ngàn hội viên, giúp chị em nâng cao nhận thức, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
Hội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 98 lớp dạy nghề nông thôn, có khoảng gần 3 ngàn học viên theo học các lớp chăn nuôi: Gà, heo, bò, dê, trồng nấm rơm, nấm bào ngư, rau sạch, cây ăn trái, lúa “sinh thái”, nấu ăn, may công nghiệp… Hội còn giới thiệu 3.562 chị em trong độ tuổi lao động chưa có việc làm vào các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Toàn huyện có các mô hình làm ăn có hiệu quả, thu hút nhiều lao động nữ như: Tổ hợp tác “May giỏ xách thân thiện môi trường” có 30 thành viên ở xã Phú Phong; 5 mô hình PN liên kết sản xuất - kinh doanh có 163 thành viên (đan nón bàng xã Tân Hội Đông, dệt chiếu xã Long Định, dệt thảm chà chân xã Tam Hiệp, may gia công xã Thạnh Phú, đan ghế nhựa xã Bình Trưng) và duy trì 2 CLB “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” có 47 thành viên (xã Song Thuận và Phú Phong). Các mô hình này đã thu hút được nhiều chị em vào làm việc với thu nhập 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, các cấp hội PN còn tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giải ngân cho trên 1.012 hộ vay với tổng nguồn vốn 8,8 tỷ đồng; vốn từ quỹ “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế”, vốn trong hội viên, đã giải ngân cho 3.911 hộ vay với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp hội PN còn kết hợp chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật được 136 cuộc, có gần 5 ngàn lượt người tham gia. Từ đó giúp chị em giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, tiến đến khá giàu.
Nhiều tấm gương PN điển hình trong phát triển kinh tế như: Chị Huỳnh Thị Nga, chị Trần Thị Hằng, ấp Phú Hòa, xã Phú Phong với mô hình trồng cây ăn trái; chị Nguyễn Thị Bướm, xã Tân Hội Đông, chị Lại Thị Hên, xã Tân Lý Đông với mô hình đan đệm, nón bàng; tại xã Thạnh Phú có chị Ngô Thị Lệ, ấp Cây Xanh với mô hình nuôi heo thịt, chị Lý Thị Mai, ấp Miễu Hội với mô hình nuôi gà.
Kết quả đạt được cho thấy quá trình triển khai thực hiện Đề án đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ trong huyện, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, nâng dần mức sống.
Thực hiện Đề án 295 về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010 - 2015, đã mang lại hiệu quả đáng phấn khởi; đã phát huy được vai trò của chị em PN trong phát triển kinh tế gia đình, giải quyết thời gian nông nhàn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Toàn huyện có 15.541 lượt PN nghèo phát triển kinh tế gia đình, qua đó có 1.034 phụ nữ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Từ hiệu quả này, các cấp hội PN Châu Thành sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng Đề án “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2015 - 2020 đạt hiệu quả tốt hơn” - bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết.
ANH TUẤN