Thứ Tư, 01/07/2015, 14:10 (GMT+7)
.

Gò Công Đông: Đầu tư xây dựng GTNT tạo thuận lợi phát triển KT-XH

Từ năm 2010 - 2014, huyện Gò Công Đông xây dựng và phát triển mới 173 tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT), tổng chiều dài 107 km; nâng cấp, mở rộng 31 tuyến, tổng chiều dài 55,5 km. Tổng kinh phí đầu tư 72 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 37 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân 5,5 tỷ đồng, vốn huy động xã hội 1,6 tỷ đồng.

 

Đánh giá tình hình thực hiện 4 chỉ tiêu trong tiêu chí số 2 về giao thông theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới:  Số xã đạt 4 chỉ tiêu gồm 4 xã, đạt 36,36%, xã đạt 3 chỉ tiêu gồm 2 xã, đạt 18,18%, xã đạt 2 chỉ tiêu gồm 2 xã, đạt 18,18%, các xã còn lại đạt từ 1 - 2 chỉ tiêu. Qua kết quả trên cho thấy việc thực hiện Tiêu chí 2 trong xây dựng nông thôn mới bảo đảm nhu cầu thực tế.

Trong quá trình đầu tư xây dựng GTNT, ngành chức năng huyện đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ linh hoạt và các hình thức tổ chức vận động đa dạng, nhất là việc tăng cường kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT là những chủ trương rất hợp lòng dân, nhân dân tin tưởng và phấn khởi đồng tình ủng hộ, nên công tác triển khai quán triệt chủ trương đầu tư xây dựng GTNT có nhiều thuận lợi và đạt kết quả rất tích cực, từ đó đã huy động được nguồn lực lớn của nhân dân về kinh phí, hiện vật, ngày công… đặc biệt là sự tự nguyện của nhân dân hiến đất để mở rộng đường có giá trị rất lớn, làm cho GTNT ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, giải quyết việc làm, đi lại học hành, thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Về phương thức vận động, cấp ủy, HĐND và UBND xã cùng với các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và đại diện các hộ dân trên tuyến đường hoặc trong toàn xã tổ chức hiệp thương dân chủ, xác định hướng tuyến, quy mô kết cấu mặt đường, sơ toán kinh phí đầu tư bao gồm phần ngân sách hỗ trợ và kinh phí cần huy động và bàn giải pháp vận động nhân dân tự nguyện đóng góp, thống nhất trước khi tổ chức huy động.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ, chính quyền cơ sở còn tổ chức vận động nhân dân tự đầu tư nhiều tuyến đường GTNT, đặc biệt là các công trình bức xúc chưa có vốn đầu tư đã được người dân tự tổ chức vận động thi công đạt kết quả đáng kể.

Các công trình GTNT phát huy tốt việc lưu thông vận tải, nhiều tuyến đường đã phục vụ cho ô tô tải nhẹ lưu thông, giúp tăng giá trị hàng hóa nông sản do trước đây các xe không lưu thông đến nơi sản xuất; bên cạnh đó có rất nhiều ô tô khách cỡ nhỏ phục vụ các yêu cầu lễ hội, cưới hỏi...

Về bảo vệ công trình GTNT cũng được sự quan tâm của cộng đồng dân cư, khác với các tuyến đường huyện, đường tỉnh, nhiều tuyến GTNT hình thành đã được nhân dân quan tâm bảo dưỡng, đắp đất gia cố lề, làm cỏ, trồng hoa kiểng tạo cho bộ mặt GTNT và xóm ấp được sạch đẹp.

Trong quá trình xây dựng GTNT đã tạo cho các cấp chính quyền rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là trong công tác chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được thụ hưởng”, nhờ đó mà chất lượng các công trình GTNT ngày càng nâng lên, nhân dân đã phát huy quyền làm chủ cùng tham gia giám sát, tránh được sự thất thoát, làm giảm chất lượng công trình.

Việc ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng GTNT là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã phát triển thành phong trào và thu được kết quả tốt, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, góp phần thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện.

THU HỒNG

.
.
.