Thứ Hai, 06/07/2015, 13:20 (GMT+7)
.

Hội LHPN xã Bình Đông: Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó

Hơn 4 năm nay, ở vùng đất cuối nguồn ngọt hóa Gò Công, nhiều phụ nữ đã có thêm việc làm trong lúc nông nhàn với nghề đan giỏ. Chính nghề tay trái này đã giúp ích cho không ít phụ nữ có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo chị Lê Thị Thúy Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Đông (TX. Gò Công), nghề đan giỏ đến với phụ nữ Bình Đông nhờ cái duyên tình cờ. Cách nay hơn 4 năm, chị Lê Cao Quý Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hồng Rạng tìm tòi học được nghề đan giỏ xách nhựa từ 1 người quen ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Chị Lê Cao Quý Lộc (giữa) hướng dẫn phụ nữ ấp Năm Châu đan giỏ tại nhà bà Bà Lê Thị Tuyết Mai.
Chị Lê Cao Quý Lộc (giữa) hướng dẫn phụ nữ ấp Năm Châu đan giỏ tại nhà bà Bà Lê Thị Tuyết Mai.

Công việc mới giúp chị Quý Lộc vừa có thể chăm sóc con nhỏ, quán xuyến công việc gia đình mà lại có thêm một khoản thu nhập kha khá. Cùng là phụ nữ nông thôn, chị Quý Lộc hiểu được hoàn cảnh của hội viên, phụ nữ trong ấp vẫn còn gặp nhiều vất vả trong cuộc sống, nghề nghiệp không ổn định, có nhiều thời gian nhàn rỗi. Thế là chị kêu gọi chị em phụ nữ trong ấp có nhu cầu đến để dạy nghề miễn phí. Sau đó thì nghề đan giỏ được nhân rộng ra các ấp khác trong toàn xã.

Qua 4 năm hoạt động, hiện mô hình đan giỏ xách nhựa đã thu hút trên 40 chị em tham gia, với mức thu nhập ổn định. Theo các chị em nơi đây, việc đan giỏ này không khó lắm, có thể học nghề trong vòng 1 tuần và chủ yếu là người đan giỏ phải có tính tỉ mĩvà khéo tay một chút là có thể làm ra chiếc giỏ đẹp. Hiện các chị nhận gia công với hàng chục mẫu giỏ khác nhau, bình quân mỗi chị thu nhập từ 50 - 60 ngàn đồng/ngày.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, ấp Năm Châu phấn khởi nói: “Đan giỏ này thấy ham lắm. Ban đầu nghe chị em rỉ tai, tôi tham gia học nghề và rồi gắn bó 4 năm nay. Hàng ngày, sau khi lo xong chuyện cơm nước, nhà cửa và chăm sóc bầy heo 40 con, thời gian rỗi còn lại thì tôi đan giỏ. Trung bình mỗi ngày làm việc 6 giờ, tôi đan được 6 chiếc giỏ kiểu thường với thu nhập ngoài 50.000 đồng. Với mẫu giỏ đòi hỏi kỹ thuật cao, cầu kỳ thì đan lâu hơn nhưng bù lại giá gia công cũng cao. Dù kinh tế gia đình tôi không phải khó khăn nhưng nghề đan giỏ vừa mang lại thu nhập vừa mang đến cho tôi niềm vui”.

Nhiều chị em phụ nữ ở xã Bình Đông còn cho biết, ngoài công việc đồng áng, hay chăn nuôi thì thời gian rảnh rỗi chiếm rất nhiều, nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của Hội LHPN xã mà chị em được trợ vốn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là có thêm được cái nghề và việc làm mới, phần nào giúp tăng thêm thu nhập, có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, không phải bỏ học giữa chừng.

Chị Ngô Thị Quang Thuận, ấp Năm Châu, quê ở TP. Hồ Chí Minh theo chồng về Bình Đông. Không quen chuyện đồng áng, chị Thuận tập tành đan giỏ. Vừa chăm sóc 2 con nhỏ, chị Thuận vừa có thể đan giỏ với thu nhập bình quân 60.000 đồng mỗi ngày. Chị Thuận chia sẻ: “Với số tiền đó, tôi đủ trang trải chi phí thức ăn cho cả nhà. Cùng làm việc để có thu nhập phụ thêm với chồng, tôi thấy hạnh phúc hơn”.

Hiệu quả của mô hình đan giỏ xách nhựa tại xã Bình Đông bước đầu đã tạo việc làm cho hội viên phụ nữ tại nông thôn. Bên cạnh đó cùng với công tác đào tạo, dạy nghề hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình phải gắn bền vững trong sản xuất, do vậy cần phải liên kết lại, hình thành tổ hợp tác.

Chị Quý Lộc cho biết: “Phần lớn hàng nhận gia công là xuất khẩu sang các nước châu Âu theo đơn đặt hàng, một số ít tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nguồn hàng dồi dào nên chị em không sợ thiếu việc làm. So với đi làm công nhân tại khu công nghiệp thì nghề đan giỏ thủ công cho thu nhập thấp. Tuy nhiên, nghề này lại giải quyết được việc làm cho phụ nữ nông thôn lúc nhàn rỗi tạo nguồn thu nhập thêm. Chị em có thể làm việc ngay tại nhà, vừa làm vừa chăm chút gia đình”.

Rõ ràng, bên cạnh việc tận dụng nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và Ngân hàng Chính sách xã hội thì việc đào tạo, dạy nghề ngắn hạn của Hội LHPN xã đã mang lại hiệu ứng tích cực và sâu rộng, giúp cho chị em hội viên có thêm thu nhập, nhất là phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo cho phụ nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

THỦY HÀ

.
.
.