Sự hy sinh cao cả và thầm lặng của các mẹ Việt Nam Anh hùng
Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, để có được những thắng lợi vẻ vang, các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt, công sức, của cải để gìn giữ nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Trong mất mát đau thương đó có sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ không những lau nước mắt tiễn chồng mà lần lượt tiễn các con, để rồi có những đứa con không về khiến lòng mẹ chồng chất nỗi đau… Mỗi người mẹ là một câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc thăm Bà mẹ Việt nam Anh hùng Phạm Thị Gấm, ấp Bình Trị, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy. Ảnh: HẠNH NGA |
1. Làng quê Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) của mẹ có dòng Rạch Gầm đỏ nặng phù sa, góp phần tạo nên những vườn vú sữa xum xuê, hàn gắn dần những vết thương của chiến tranh, của vụ thảm sát Chợ Giữa thời kháng Pháp, của vùng căn cứ cách mạng xung quanh Vành đai Bình Đức thời Mỹ - ngụy. Cũng từ 2 cuộc kháng chiến này, chồng và 2 con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thơm đã hy sinh.
Chồng mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Văn Chính, tham gia cách mạng năm 1937. Truyền thống cách mạng của gia đình được phát huy khi 2 con trai của mẹ là Nguyễn Văn Điểm và Nguyễn Văn Sạn tiếp bước cha đi bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1967, niềm đau chồng hy sinh chưa nguôi thì 1 năm sau 2 con trai của mẹ chiến đấu cùng đơn vị đã anh dũng hy sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm ở tuổi đôi mươi. Hiện mẹ sống cùng con gái. Niềm vui của mẹ là sống trong sự yêu thương, chăm sóc của con cháu, sự quan tâm thăm hỏi thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, cơ sở và đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ.
Mẹ hào sảng khoe rằng: Mẹ sống vui, sống khỏe và rất thích làm những công việc xung quanh vườn nhà để phụ con cháu. Hiện mẹ sống trong ngôi nhà khang trang từ tiền của mẹ làm ra, của các con cháu và chính quyền, các đoàn thể góp thêm.
2. Rời phía Nam lộ của huyện Châu Thành, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hai, nhà ở xã Long Định. Trò chuyện cùng chúng tôi, mẹ nhắc nhiều về những chuyến được đi nghỉ dưỡng ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt… do Nhà nước tổ chức. Những dịp đó, được đi thăm những khu di tích cách mạng, nhìn những phục dựng hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với nón tai bèo và đôi dép cao su khiến mẹ nhớ lắm “thằng” Hai, “thằng” Ba, “thằng” Sáu của mẹ.
Đó là 3 trong 11 người con của mẹ đã hy sinh: Liệt sĩ Lê Văn Lực, hy sinh ở chiến trường miền Đông; Liệt sĩ Lê Văn Nhanh, bộ đội trinh sát của Tiểu đoàn 514; Liệt sĩ Lê Văn Sàn, bộ đội địa phương. Tận sâu thẳm trong lòng của mẹ là nỗi day dứt khôn nguôi khi còn 2 con trai đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, cũng chẳng có di vật hay di ảnh gì để lại. Vẫn biết rằng con hòa vào lòng đất mẹ, nhưng tình mẫu tử thiêng liêng vẫn làm mẹ đau đáu nỗi mong chờ, hy vọng một ngày mẹ tìm thấy hài cốt của con.
3. Bước vào căn nhà tình nghĩa do cán bộ, viên chức Bến xe Tiền Giang xây tặng, chúng tôi ấn tượng về những tấm Huân chương, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công trong gia đình giàu truyền thống cách mạng này. Đó là nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bài, sinh năm 1930, nằm trong vùng căn cứ cách mạng xã Long Tiên.
Chồng mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Văn Giữ, tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ông ngã xuống khi đang là chính trị viên của Tiểu đoàn 514. Tiếp đến là 4 lần gật đầu cho 4 người con tiếp bước cha theo cách mạng và trở về cùng mẹ là… những dòng tin báo tử. Mẹ luôn chờ đợi dù biết là vô vọng.
Các anh đã viết tiếp bài ca hùng tráng cho gia đình: Liệt sĩ Nguyễn Văn Gìn là Tiểu đoàn phó pháo binh Biên Hòa, hy sinh tại chiến trường miền Đông, đến nay chưa tìm được hài cốt; Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết, Xã đội trưởng An Hữu, huyện Cái Bè, hy sinh khi tham gia đánh đồn bót ở địa phương; Liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến, Trung đội trưởng trinh sát, hy sinh ở Ấp Bắc - Cai Lậy; Liệt sĩ Nguyễn Thị Thu, công tác Hậu cần Huyện đội. 4 người con còn lại của mẹ: Người có công tham gia cách mạng, người là thương binh…
Điều gì đã làm nên điều phi thường cho gia đình như thế? Anh Nguyễn Đức Thanh, thương binh 2/4, con trai của mẹ tự hào cho biết: “Đó là truyền thống gia đình, là lòng căm thù giặc, lòng yêu nước và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta!...”.
4. Sau chiến tranh, các mẹ vẫn bám đất bám làng để xây dựng lại màu xanh quê hương. Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Chúc có chồng và 3 con là liệt sĩ nhà ở xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông là như thế. Sau chiến tranh, mảnh đất khô cằn của xã Tân Thới với chi chít những hố bom, những thân dừa đầy thương tích của đạn pháo.
Nhờ bàn tay vun xới và sự cần cù lao động của mẹ, màu xanh của những hàng dừa đã hồi sinh, cho nguồn thu nhập đáng kể để người mẹ góa tiếp tục nuôi các con thơ dại, khi chồng hy sinh con trai út là anh Nguyễn Quốc Cường còn nằm trong bụng mẹ.
Có những mẹ đã về với đất, có những mẹ vẫn còn sống phần đời còn lại để từng ngày nhìn quê hương, đất nước “thay da đổi thịt”; nhìn cháu con trưởng thành, hăng say học tập, lao động sản xuất, xây dựng, phát triển cơ đồ tổ tiên để lại.
Trong năm 2015, Đảng và Nhà nước tiếp tục xét phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo quy định mới. Danh hiệu là sự tri ân hiện hữu, nhưng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, các mẹ là mẹ Tổ quốc, là mẹ Anh hùng. Mỗi bà mẹ có hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau ở sự hy sinh cao cả và thầm lặng, nước mắt khóc con khi rơi đều trĩu nặng và lặng lẽ.
THỦY HÀ