Mưu sinh dưới lòng cống
Làm việc trong môi trường dơ bẩn, hít phải mùi hôi khó chịu, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, thế nhưng các anh vẫn cần mẫn, hăng say và hãnh diện với nhiệm vụ của mình. Đó là công việc của các công nhân làm nghề vét hố ga, ống cống thuộc Đội Xây dựng cầu đường, thoát nước của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho.
Đúng 7giờ sáng, các anh tập hợp tại địa điểm đã được phân công trước. Không khí trong lành bỗng thay đổi hẳn khi nắp cống bật lên, một mùi hôi nồng nặc lan tỏa xung quanh, cái mùi có thể khiến nhiều người nôn mửa, nhưng với các anh đã trở nên quen thuộc vì hàng ngày đều phải tiếp xúc.
Anh Nguyễn Tấn Vinh, Tổ trưởng Tổ vét hố ga, ống cống nhìn sang chúng tôi bảo: “Các anh đứng lùi lại, mới giở nắp mùi hôi thối, khí độc dữ lắm. Các anh ngửi không quen đâu, đôi khi dẫn đến ngộ độc đấy, khoảng 5 - 10 phút sau hả lại gần đây”.
Cùng góp sức mở nắp hố ga, ống cống. |
Vừa nói xong, không chần chừ, anh Vinh cùng 3 anh em khác bắt đầu công việc của mình. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy các anh dùng gào múc khuấy bùn nhão ra rồi múc từng gào đổ vào xô vận chuyển lên xe. Các cống sâu nhiều rác thải, các anh phải lội bì bõm dưới những dòng nước đen ngòm, múc từng gào bùn đen lẫn rác rưởi đổ vào xô chuyền cho người đứng trên để đổ vào xe.
Với những đoạn cống nhỏ, các anh phải dùng đoạn dây thừng dài buộc 1 viên gạch hoặc lốp xe máy vào một đầu làm thành cái cào, sau đó mở nắp hố ga, rồi dùng những đoạn tre mỏng dài khéo léo luồn đầu dây thừng sang nắp hố ga bên kia và kéo dây để cái cào chạy dọc lòng cống, cào rác, bùn đọng trong lòng cống ra và xúc đổ lên xe bồn chở vào tận bãi rác Tân Lập (huyện Tân phước) để xử lý.
Càng về trưa, nắng càng trở nên chói chang hơn, mồ hôi nhễ nhại, nhưng các anh vẫn cặm cụi đào, múc, kéo cho thông thoáng các cống để nước thải được thoát ra ngoài. Vừa đợi chuyền xô tạp chất từ dưới cống lên, anh Nguyễn Văn Nghĩa - có hơn 20 năm gắn bó với nghề vét hố ga, ống cống, ngó sang nói với chúng tôi:
“Làm nghề nào cũng cực khổ, nhưng nghề vét hố ga, móc cống đặc thù hơn vì làm việc ở dưới mặt đất. Hàng ngày hít hơi độc hại, nguy hiểm nhưng riết rồi cơ thể cũng quen mùi. Ngày trước khi mới vào nghề, ngày đầu tiên đi làm nhìn thấy những chất thải, mùi hôi ở dưới cống bốc lên là tôi nôn ói, về nhà bỏ ăn luôn, nhưng sau quen rồi thì nó trở nên bình thường. Xong công việc, ai cũng đầy mùi hôi, người khác không dám đến gần”.
Anh Nghĩa nói tiếp: “Hì hục suốt ngày dưới cống, lưng mỏi, chân tay tê cứng, người ta nói công nhân nạo vét cống là những người “dưới đáy của xã hội” là vì thế, còn anh em trong nghề thì nói nghề này là ngày làm dưới “âm phủ”, tối ngủ trên trần gian!”.
Cống sâu các anh phải chui sâu dưới dòng nước đen ngòm để nạo vét. |
Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, hiểm họa luôn rình rập các anh, bởi không đơn giản dưới các ống cống, hay hố ga ấy chỉ có nước thối hay cát, mà nơi đó còn tồn tại hàng trăm thứ mà người đời bỏ đi, nào là miểng chai, gạch, đá, rác thải sinh hoạt, nước hóa chất, thậm chí kim tiêm… tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa khi các anh đào, bới. Trường hợp bị đứt tay, đứt chân là chuyện như cơm bữa thì tình trạng hít phải mùi hôi, thối, những loại khí thải khác nhau tồn ứ lâu ngày trong các hố ga hay ống cống có thể khiến các anh bị ngộ độc hay suy giảm sức khỏe…
Vẫn biết nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập từng giây, từng phút, nhưng với các anh công việc này là cuộc sống, là tương lai, là hy vọng chắp cánh ước mơ cho các con ăn học. Anh Nguyễn Tấn Vinh bộc bạch: “Đã chọn nghề thì phải hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, nhờ cái nghề này mà có được cơm ngày 2 bữa, có thêm điều kiện nuôi các con ăn học, thời buổi này không làm có nước mà đói thôi”.
Anh Nghĩa tiếp lời: “Nghề móc cống lương không cao nhưng hưởng đầy đủ các chế độ, cũng đủ sống. Nghề này không những cực khổ mà nguy hiểm chực chờ bởi hàng ngày tiếp xúc với nhiều chất độc hại nên anh em thường mắc các bệnh hô hấp, da bị nhiễm trùng, ghẻ lở. Nhưng anh em sợ nhất vẫn là kim tiêm, mảnh ve chai vỡ, vì lỡ bị nó đâm vào tay hay chân thì sẽ làm độc nhiều ngày không lành được”.
Một ngày làm việc của các anh kéo dài 8 tiếng. Ở những nơi dân cư thưa thớt thì các cống ít bị ô nhiễm và ít rác thải. Nhưng với những nơi đông dân cư, hay ở các chợ, các khu ăn uống thì rác thải, tạp chất không thể kể xiết.
Anh Trương Đình Hùng buồn rượi nói: “Nhiều nơi khi vừa bật nắp cống lên mùi hôi thối bốc ra, bị những người xung quanh la lối um xùm, có người la lên thối quá làm sao buôn bán, có người gằng giọng nói: Sao nạo vét cống không lựa buổi tối mà làm, làm đâu giờ này ai chịu nổi”.
Anh Nghĩa tiếp lời: “Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy, có người cảm thông, thấu hiểu với nỗi vất vả của công việc, còn mời anh em uống ly trà đá, cho cái bánh, mời điếu thuốc… Những lúc đó, chúng tôi thấy phấn khởi vô cùng, bao nhiêu mệt nhọc tan biến ngay”.
Có theo chân các anh, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc khi phải làm việc trong môi trường hôi thối, nguy hiểm. Hy vọng rằng mỗi người chúng ta nên ý thức hơn trong việc loại bỏ rác thải, hạn chế việc vứt rác bừa bãi, nhất là bỏ vào các ống cống, hố ga để góp phần bảo vệ môi trường, cũng như góp phần bảo vệ sức khỏe của các anh - những người làm công việc thầm lặng, vất vả, đầy hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi tự hào này. Bởi lẽ, giữa ồn ào của phố thị, họ vẫn lặng lẽ làm việc giữa dòng người qua lại với mong muốn những con đường không còn ngập nước mỗi khi trời mưa, không còn mùi hôi thối bốc ra từ các hố ga, ống cống.
Anh Đặng Văn Tấn, Đội trưởng Đội Xây dựng cầu đường - thoát nước thuộc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho cho biết: “Với chủ trương nạo vét tất cả các hố ga, ống cống, không để tình trạng hôi thối xảy ra, đặc biệt là không để ngập nước vào mùa mưa, vì thế mỗi anh em của tổ luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, góp phần xây dựng Mỹ Tho đại phố ngày càng đẹp hơn”.
VĂN MINH