Những ghi nhận thú vị bên ngoài phòng thi
Những buổi thi của kỳ thi THPT Quốc năm 2015 trôi qua với nhiều tâm trạng, cảm xúc. Nếu như trong phòng thi, thí sinh (TS) tranh thủ từng phút, dốc hết sức mình để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất thì bên ngoài, phụ huynh cũng đếm thời gian, với tâm trạng hồi hộp không kém con mình. Để rồi sau mỗi buổi thi, phụ huynh và TS ngồi bên nhau, tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi… và chờ đợi buổi thi tiếp theo.
Tranh thủ cùng con ăn cơm ở cổng trường đợi buổi thi chiều. |
CẢ NHÀ CÙNG THI
Còn 15 phút nữa là kết thúc môn thi thứ 3, vợ chồng chị Võ Thị Thu Hiền (phường 4, TX. Bến Tre) vừa xem đồng hồ, vừa ngóng về phía cổng trường. Đã 3 ngày nay, buổi nào vợ chồng chị cùng đứng trước cổng trường chờ con. Anh chị đã cùng con đến điểm thi Trường Đại học Tiền Giang từ sáng sớm ngày 30-6.
Khi đến nơi, TS Trần Võ Phương Uyên làm thủ tục dự thi thì vợ chồng chị chị tất tả đi tìm chỗ trọ. Chị Hiền chia sẻ: “Do mới qua Tiền Giang lần đầu nên việc đi lại tìm chỗ khá khó khăn. Cũng may là tìm được 3 chỗ, nếu không cũng không biết làm sao để lo cho con. Đây là lần đầu cháu đi thi xa nhà nên tôi không dám cho cháu đi thi một mình”.
Chị Nguyễn Lê Khương (xã Tân Bình, huyện Cai Lậy) cũng có tâm trạng hồi hộp không kém khi đón con trai trước cổng trường thi. Trên tay chị là 2 hộp cơm vừa nhận tự đội tiếp sức mùa thi. Chị cho biết: “Hôm qua đến nay, buổi thi nào tôi cũng qua đây đợi con. Con trong phòng thi, không ngồi đây tôi không yên tâm được”.
Gia đình chị rất khó khăn. Nhà nghèo, chỉ có một ít đất canh tác, anh chị vừa phải trồng trọt, chăn nuôi trên đất nhà, vừa phải làm thuê, làm mướn thêm mới đủ ăn và cho 2 con đi học. Mấy ngày nay, 2 mẹ con chị ở trọ trong chùa và ăn cơm từ thiện.
Thí sinh nhận cơm từ các sinh viên tình nguyện. |
Tuy nhiên, chị cảm thấy rất vui vì con mình được tham gia thi đại học, điều mà vợ chồng chị mơ ước nhưng không làm được. Chị Khương xúc động: “Tôi ngồi đây, cũng như là được đi thi rồi. Chỉ mong là con tôi làm bài được và đủ điểm vào đại học, vợ chồng tôi sẽ cố gắng hết sức lo cho nó”. Chị cũng cho biết thêm, mấy ngày nay tuy không đi theo, nhưng chồng chị cũng thường xuyên điện thoại động viên con. Con gái của chị cũng gửi lời hỏi thăm và mong anh hai thi thật tốt.
ĐA DẠNG CHỖ NGHỈ
Cổng trường hẹp, người đông nên khá nhiều phụ huynh không thể đợi con trước cổng trường mà phải chọn một nơi xa hơn. Tại điểm thi Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, nhiều phụ huynh có con thi tại điểm này đã chọn nơi “tạm trú” là chân cầu Rạch Miễu.
Chú Khải nhường võng cho con nghỉ ngơi dưới chân cầu Rạch Miễu. |
Tại chân cầu này, có hàng chục chiếc võng, là nơi nghỉ trưa lý tưởng của phụ huynh và TS. Nhường võng cho con nằm nghỉ, xem lại bài cho môn thi buổi chiều, chú Lã Quốc Khải, ngồi tựa lưng vào gốc cây vui vẻ cho biết: “Hai cha con tôi ở TP. Bến Tre, sáng qua đây thi, chiều về. Tìm chỗ trọ khó, đi về thì xa nên ở đây là tốt nhất. Hơn nữa, chúng tôi chỉ ở lại có vài tiếng buổi trưa nên không đến nỗi”.
Cũng như chú Khải, nhiều phụ huynh và TS chọn chân cầu Rạch Miễu là nơi “tạm trú” trong lúc chờ đợi. Có người vì không thuê được chỗ trọ, có người vì chỗ trọ khá xa nên không về… Tuy lý do khác nhau, nhưng tất cả phụ huynh đều có chung suy nghĩ: Làm sao để tiện, lợi trong việc đưa đón con em, giúp các em có một chỗ nghỉ ngơi thật tốt, tạo tâm trạng thật thoải mái để các em an tâm đi thi.
Huỳnh Trâm cùng mẹ và cậu ăn cơm trưa tại bia tưởng niệm. |
Tại khu vực tượng đài Tết Mậu Thân, bia tưởng niệm cũng là nơi được khá nhiều TS và phụ huynh lựa chọn làm nơi “tạm trú” vào buổi trưa. TS Nguyễn Thị Quỳnh Trâm đang cùng mẹ nghỉ trưa tại tượng đài Tết Mậu Thân, em cho biết: “Nhà em ở tận Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy nên đi về rất khó khăn. Hai hôm nay, em và mẹ ăn cơm rồi nghỉ trưa ở bia tưởng niệm, đợi buổi thi chiều. Chỗ này cũng mát mẻ, em có thể ôn bài hoặc ngả lưng một chút”.
M. CHÂU- P. MAI - T.LAM