40 năm và dấu ấn những cây cầu
Gần 20 năm qua, Trung ương đã đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng giao thông của Tiền Giang, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh và khu vực. Trong đó, có những cây cầu đã và sẽ đi vào lịch sử, ghi đậm dấu ấn trong lòng người dân Tiền Giang và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chiều trên công trình cầu Mỹ Lợi Ảnh: Phong Vũ |
Cầu Mỹ Thuận: Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam nối đôi bờ sông Tiền giữa Tiền Giang và Vĩnh Long với chiều dài 1.535m được khởi công ngày 6-7-1997. Khánh thành cầu Mỹ Thuận (21-5-2000) thật sự là một ngày hội của người dân miền Tây Nam bộ lúc bấy giờ; nó là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của ĐBSCL, là bệ phóng mở đầu cho những cây cầu kết nối vùng sông nước miền Tây Nam bộ trong thế kỷ XXI.
Cầu Rạch Miễu: Nằm trên QL60 nối Bến Tre và Tiền Giang, khởi công năm 2002, khánh thành năm 2009, có tổng chiều dài hơn 8km, với kinh phí 1.400 tỷ đồng. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới. Cầu Rạch Miễu thông xe, đã tiễn bến phà Rạch Miễu hơn 100 tuổi đi vào quá khứ, nối xứ dừa Bến Tre và cù lao Thới Sơn với đất liền.
Cầu Mỹ Lợi: Qua sông Vàm Cỏ trên QL 50, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, cầu Mỹ Lợi có vị trí và vai trò quan trọng trong kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên QL 50 từ TP. Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An, Tiền Giang. Việc đưa cầu Mỹ Lợi vào khai thác sẽ là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang, Long An nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Cầu có chiều dài 1.422 m, với tổng kinh phí 1.439 tỷ đồng, dự kiến cầu Mỹ Lợi sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 29-8-2015.
DUY SƠN