Bà Nguyễn Thị Từng: Hơn 40 năm gắn bó với nghề bơm, vá vỏ xe
Bà Nguyễn Thị Từng (ngụ ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho) đã 65 tuổi nhưng bên cạnh bà lúc nào cũng có những món đồ nghề, dụng cụ bơm, vá vỏ xe. Bà Từng chia sẻ: “Tôi đã gắn bó và mưu sinh với nghề bơm, vá vỏ xe hơn 40 năm, giờ không được khỏe như hồi còn trẻ nhưng không làm thì buồn lắm!”.
Bà Từng vá, bơm vỏ xe cho khách. |
Nghề sửa xe đạp, xe gắn máy mỗi khi nhắc đến hầu như ai cũng nghĩ đó là công việc của đàn ông, bởi nghề này cực nhọc và đòi hỏi người hành nghề phải có sức mạnh của cơ bắp, nhưng bà Từng - người phụ nữ mảnh khảnh, chân yếu tay mềm đã mưu sinh với nghề này hơn nửa đời người.
Tuy đã 65 tuổi, mái tóc ngã màu sương, sức khỏe không được tốt và tay nghề cũng không còn được nhanh nhẹn như thời còn trẻ, nhưng mọi người đến đây sửa xe đều quý mến bà bởi tính cẩn thận, cần cù, nhẫn nại của bà.
Tâm sự về cuộc đời mình, bà Từng cho biết: “Tôi lập gia đình khoảng năm 1969, 2 vợ chồng được ông bà cho 3 công đất vườn nhưng đất xấu trồng nhãn thất bát, nên gia đình chủ yếu mưu sinh bằng nghề bơm, vá vỏ xe. Cái nghề này do chồng tôi truyền lại”.
Theo lời kể của bà Từng, nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Hai - chồng bà là chủ tiệm vá xe Hai Nhơn, chuyên vá, bơm xe ô tô, xe tải, được nhiều người biết đến trong vùng. Những ngày đầu chưa quen công việc vá vỏ xe ô tô, xe tải, bà Từng chỉ phụ chồng bơm vá xe lúc khách đông.
Qua nhiều lần nhìn chồng sửa xe, bà đã bắt đầu quen và thành thạo từ lúc nào cũng không hay. Ban đầu cửa tiệm bơm, vá vỏ xe của vợ chồng bà chuyên vá vỏ xe ô tô, xe tải, đến khi Nhà nước mở rộng Quốc lộ 1A, do không còn mặt bằng nên gia đình không còn bơm, vá vỏ xe ô tô, xe tải mà chuyển qua bơm, vá vỏ xe máy, xe đạp đến nay.
Bà Từng cho biết: “Cách đây 20 - 30 năm vá xe không có dụng cụ hiện đại như bây giờ, chủ yếu làm thủ công bằng tay nên cực lắm! Nhưng bù lại hồi đó ít tiệm sửa xe nên sửa được nhiều, thu nhập khá cao và ổn định.
Bây giờ nhiều tiệm sửa xe, vá xe “mọc” lên, công việc làm ăn không được khá như trước, lâu lâu mới có 1 xe bơm, vá, thường thì khách đến sửa xe đông nhất là lúc sáng sớm và chiều tối, bởi lúc này các cửa tiệm gần đây đều đóng cửa nghỉ ngơi, còn mình thì làm sớm nghỉ trễ, cố gắng lấy công làm lời. Mỗi ngày, có khi kiếm vài chục ngàn đồng, hôm nào đông khách hoặc lễ, tết có khi thu nhập đến 100 ngàn đồng”.
Tạm gác cuộc trò chuyện với chúng tôi khi có khách đến bơm, vá vỏ xe. Bà Từng chậm rãi bê chậu nước thử ruột xe, bàn tay của bà thành thạo, nhanh nhẹn khi cầm những món đồ nghề cạy vành xe… Dáng khắc khổ của người mẹ nghèo khiến ai cũng thương cảm. Theo bà con hàng xóm, ngay cả những lúc đêm khuya đang ngủ, khi có người gọi nhờ vá xe, bà Từng đều không từ chối.
Theo bà Từng, công việc của đàn ông mình làm tuy có chút nặng nhọc cũng không sao, miễn là có thêm chút tiền nuôi các con là bà đã mừng. Động lực lớn nhất của vợ chồng bà suốt gần 40 năm qua là hình ảnh của 4 đứa con (3 gái, 1 trai) đã khôn lớn. Giờ 3 người con gái đã có gia đình ra riêng, cậu con trai út làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Hương.
Các con khuyên bà nghỉ, nhưng bà thấy cái nghề nó gắn bó với mình mấy chục năm giờ nghỉ buồn lắm, vả lại được lao động vẫn tốt hơn. “Hồi trẻ nghề này đã giúp nuôi dạy con khôn lớn, giờ về già nó vẫn giúp tôi sống thoải mái mà không phải dựa nhiều vào con, nên còn làm được thì cứ làm” - bà Từng nói.
Nhìn bàn tay chai sần, lấm lem dầu nhớt, làn da đen sạm mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của người phụ nữ khi làm nghề sửa xe, nhưng với bà đó là niềm vui, là nguồn sống của gia đình và là nghề của chồng để lại nên bà sẽ tiếp tục gắn bó đến khi nào không còn làm nổi mới thôi.
HOÀI THU