Các nơi thực hiện tốt việc chuẩn bị tiếp nhận người được đặc xá
Xác định việc tiếp nhận, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về địa phương xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti, tránh sự kỳ thị của xã hội là 1 biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để phòng ngừa tái phạm tội, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.
Chính vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận các văn bản của cấp trên về công tác đặc xá năm 2015, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị tiếp nhận người được đặc xá. Trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để nhân dân nơi cư trú nắm rõ chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời giúp người trở về sau khi được đặc xá đăng ký hộ khẩu, bảo đảm các quyền công dân ở địa phương.
Lễ công bố Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đợt Tết Nguyên đán 2015 tại Trại tạm giam CATG. |
Tại xã An Cư, huyện Cái Bè, Ban chỉ huy Công an xã đã triển khai, quán triệt đến từng thành viên Công an xã thông suốt các văn bản của cấp trên và báo cáo, tham mưu đề xuất Đảng ủy, UBND xã có bước chuẩn bị. Trung tá Nguyễn Văn Ý, Trưởng Công an xã cho biết: “Khi nào có danh sách những người được đặc xá gởi về địa phương, Công an xã sẽ lập kế hoạch để tiếp nhận, quản lý người được đặc xá.
Và khi họ về địa phương trình báo thì Công an xã sẽ lập hồ sơ tiếp nhận, quản lý theo quy định của pháp luật, giúp họ đăng ký hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân cho người chưa có giấy chứng minh nhân dân, bị mất, hư hỏng hoặc quá thời hạn sử dụng.
Sau khi tiếp nhận, tùy vào từng đối tượng cụ thể, Công an xã sẽ tham mưu đề xuất Đảng ủy, UBND xã giao cho các ngành, đoàn thể phối hợp trong công tác quản lý, tiếp tục giúp đỡ họ trở thành 1 công dân tốt. Đặc biệt là thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ để giới thiệu việc làm hoặc cho vay vốn để những người này có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, không để các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ tái phạm tội”.
Qua đó mới thấy rằng, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn, mà còn thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Và hơn ai hết, chính quyền ở cơ sở là nơi gần gũi nhất, nắm rõ nhất và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người từng lầm lỗi có hướng đi đúng đắn, tránh xa những tệ nạn xã hội.
Trung tá Nguyễn Văn Ý còn cho biết thêm, ở địa phương có một số công ty, cơ sở sản xuất nên cũng có phần thuận tiện trong việc giới thiệu, tạo việc làm cho những người sau đặc xá có nhu cầu.
Song song đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhất là trong các cuộc họp tổ nhân dân tự quản sẽ thông báo cho nhân dân biết, cùng chính quyền địa phương quản lý, giúp đỡ và đặc biệt tránh kỳ thị với những người từng lỗi lầm, tiếp thêm sức mạnh để họ có đủ tự tin, nghị lực phấn đấu vươn lên.
Chính nhờ thực hiện tốt các biện pháp tiếp nhận người được đặc xá như trên, những năm qua, trên địa bàn xã An Cư đã có nhiều trường hợp sau lầm lỗi đã nhận ra sai trái, vươn lên sống tốt, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Còn tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, để chủ động cho việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục giúp đỡ nguời đuợc đặc xá năm 2015, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của UBND xã Tam Hiệp, Công an xã Tam Hiệp đã tham mưu xây dựng kế hoạch liên ngành cùng với các ban, ngành, đoàn thể chủ động giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Cụ thể, Công an xã đã chủ động xây dựng kế hoạch để sau khi tiếp nhận người được đặc xá trở về địa phương sinh sống, Công an xã sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phân công trách nhiệm cho các đơn vị tiếp tục quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Tùy theo từng độ tuổi của nguời sau đặc xá sẽ phân công cho phù hợp với từng truờng hợp như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Công an xã để giáo dục quản lý.
Quan trọng là công tác tìm hiểu, rà soát để nắm được từng truờng hợp khó khăn cụ thể cũng như tâm tư, tình cảm nguời được đặc xá nhằm tìm ra phương án hỗ trợ tốt nhất cho họ như huớng dẫn nghề nghiệp hoặc hỗ trợ vốn làm ăn sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Với cách làm này, Công an xã đã cảm hóa nhiều trường hợp được đặc xá về địa phuơng những năm trước đây nhưng cảm thấy vẫn còn tự ti, mặc cảm với mọi nguời, nay đã tái hòa nhập cộng đồng và trở thành nguời có ích cho gia đình và xã hội. Điển hình là truờng hợp của anh P.T.T.
Năm 2011, anh T. bị Tòa án Nhân dân huyện Châu Thành xử phạt 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Năm 2013, anh T. đuợc đặc xá trở về địa phương, do mặc cảm với lỗi lầm của mình nên anh T. ít tiếp xúc với mọi nguời xung quanh và cũng không có nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.
Hiểu được tâm lý, tình cảm của anh T. qua những lần tiếp xúc, Công an xã đã vận động, giải thích; đồng thời vận động các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ vốn cho anh T. buôn bán nhỏ. Nhờ vậy, đến nay anh T. đã ổn định và cũng không còn mặc cảm với mọi nguời xung quanh. Điều hạnh phúc nhất đến với anh là anh sắp xây dựng cho mình tổ ấm yêu thương với nguời phụ nữ cùng xã.
Cùng với việc chú trọng giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi vươn lên, công tác tuyên truyền cũng được tổ chức sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân như: Phổ biến Nghị định 80 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; đồng thời nêu gương điển hình tiên tiến trở về hòa nhập tốt với cộng đồng của nguời được đặc xá những năm trước đó đến mọi tầng lớp nhân dân để tranh thủ sự sẻ chia, giúp đỡ với người lầm lỗi.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các ấp trong xã xây dựng các mô hình hay về tái hòa nhập cộng đồng cho những người lầm lỗi, tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của công tác giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ tại 2 xã Tam Hiệp (Châu Thành) và An Cư (Cái Bè) mà các nơi khác trên địa bàn Tiền Giang cũng đã đề ra kế hoạch chặt chẽ cho việc tiếp nhận, giúp đỡ người được đặc xá. Nhưng quan trọng hơn là ý chí phấn đấu, kiên quyết từ bỏ quá khứ lỗi lầm của bản thân người được đặc xá; sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và xã hội sẽ là chỗ dựa, là niềm tin vững chắc để họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Tin rằng với quyết tâm làm lại cuộc đời của những người đã có lỗi, tình thương của người thân, gia đình, sự bao dung của cộng đồng và trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể sẽ giúp người được đặc xá trở về địa phương hòa nhập tốt với cộng đồng, không tự ti, mặc cảm mà trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương
NGỌC DIỄM - LÊ HOÀI