Thứ Hai, 10/08/2015, 14:13 (GMT+7)
.

Chị Diệp: Quên nỗi đau bản thân, chung tay xoa dịu nỗi đau người khác

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng với anh chị Trần Minh Phú (SN 1948) và Nguyễn Thị Diệp (SN 1954), ngụ khu phố 5, phường 2, TP. Mỹ Tho thì chiến tranh vẫn còn ở lại với những chứng bệnh đeo đẳng suốt đời và hạnh phúc không trọn vẹn.

Anh Trần Minh Phú và chị Nguyễn Thị Diệp.
Anh Trần Minh Phú và chị Nguyễn Thị Diệp.

Anh chị đều tham gia cách mạng từ tuổi 14, 15; từng in dấu chân trên các chiến trường Mỹ Tho và Khu 8. Từ cuối năm 1960 đến đầu năm 1970, Cụm thông tin Quân khu 8  (đơn vị của anh Phú) đóng quân dọc biên giới Tây - Nam, rồi sang các tỉnh ở Campuchia.

Còn chị Diệp, hồi mới vào bộ đội làm liên lạc cho Ban Hậu cần Tỉnh đội Mỹ Tho, sau chuyển sang làm chị nuôi, rồi y tá của Phòng Tham mưu Quân khu 8. Suốt 4 năm liền, từ đầu năm 1969 đến đầu năm 1972 đơn vị chị đóng quân trên đất Campuchia. Giữa năm 1972, Mỹ - ngụy lấy cớ cho người sang Campuchia để rước Việt kiều về nước đã đưa các sư đoàn chủ lực sang truy quét lực lượng ta. Đơn vị chị phải lùi dần vào rừng sâu, sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Bom tấn pháo bầy không thắng được ta, bọn Mỹ cho rải chất độc hóa học. Cây rừng trụi lá, đơn vị chị phải rút về tỉnh Tây Ninh. Năm 1973 - 1975 chị về làm y tá của đơn vị Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho, đóng quân dọc kinh Nguyễn Văn Tiếp và Ấp Bắc. Ở đây cây cối cũng trơ cành vì chất độc hóa học, bộ đội phải ra sức trồng chuối để xây dựng lại địa hình.

Vậy đó, hầu hết thời gian của những năm chiến tranh anh chị sống trong những cánh rừng bị rải chất độc hóa học. Làm sao anh chị biết nó sẽ tước mất quyền làm cha, làm mẹ của mình và làm sao anh chị biết nó sẽ để lại vô số bệnh về sau. Mà có biết thì cũng không tránh được. Bây giờ cả hai vợ chồng đều bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, viêm khớp… và đều là nạn nhân chất độc da cam.

Anh chị yêu nhau từ năm 1969, khi cùng công tác ở Tổng đài Quân khu. Tình yêu thời chiến tranh chỉ để trong lòng, mãi đến hòa bình mới dám công khai và được 2 đơn vị đứng ra làm tuyên bố, vì ba má chị đều đã hy sinh.

Má chị làm công tác binh vận từ năm 1945 (có một thời gian chuyển qua Quân báo), năm 1966 bà hy sinh trên đường đi công tác. Ba chị theo ông Sáu Danh đi diệt ác trừ gian từ trước năm 1945. Lúc chị mới nhập ngũ, ba chị là Chủ nhiệm Hậu cần tỉnh, sau đó ông được điều làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 8 và hy sinh năm 1971.

Khi cưới nhau, anh Phú mới 27 tuổi, chị Diệp 21 - cái tuổi đẹp nhất của đời người. Hai họ chúc mừng, đồng đội ngưỡng mộ, tưởng họ sẽ có con, ai ngờ đợi hoài mà không có “tin vui”. Má chồng chị nóng ruột xin cho chị một đứa bé gái mới 23 ngày tuổi. Chị bắt đầu học làm mẹ, học chăm sóc, nuôi dạy con, nhưng có con mà cũng như không, vì người con ấy lấy chồng rồi đi biệt không về.

Sau năm 1975 chị Diệp về công tác ở Ban Hành chánh, thuộc Phòng Tham mưu Tỉnh đội Tiền Giang. Năm 1988 chị nghỉ hưu với chức vụ Trưởng ban, quân hàm đại úy. Lúc này anh Phú cũng đã về tỉnh làm Chủ nhiệm Thông tin, đến năm 1990 anh nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.

Năm 2010, phường 2 thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam. Lúc này chị Diệp đang là Chi hội trưởng Cựu chiến binh được vận động kiêm chức Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam của phường cho đến nay. Làm việc không có lương, không có phụ cấp, kinh phí hoạt động mỗi năm được vài triệu đồng là mừng, nhưng không vì vậy mà chị lơ là, thiếu trách nhiệm.

Sáng nào chị cũng tới phường như bao cán bộ, công chức, viên chức khác; hôm nào có việc phải nghỉ thì chị xin phép đàng hoàng. Cấp ủy, chính quyền phường cũng rất ưu ái với Hội Nạn nhân da cam, trừ chuyện không có phụ cấp, còn mọi chuyện khác chị đều được đối xử công bằng như bao cán bộ đoàn thể khác. Được vậy thì vui nhưng cực, nay chỗ này mời sơ kết, tổng kết; mai chỗ kia mời dự hội nghị… nhiều khi chị đi suốt ngày.

Phường 2 có 82 nạn nhân (64 nạn nhân là dân thường, 18 nạn nhân là người tham gia kháng chiến), tuy tất cả đều được hưởng trợ cấp theo quy định, nhưng không phải đã hết khó khăn, nhất là đối với 28 hộ nạn nhân nghèo và cận nghèo. Mỗi khi đến thăm các gia đình nạn nhân, thăm đồng đội cũ, thấy họ bồng trên tay những đứa con không bao giờ biết đứng, biết đi; những đứa con với tay chân cong queo, nụ cười ngờ nghệch… chị cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều.

Suốt 5 năm qua, nguồn động viên để chị vượt qua những suy nghĩ tầm thường, tiếp tục cống hiến sức lực cho công tác từ thiện - xã hội là hoài niệm của những năm tháng chiến tranh; là lý tưởng của những đồng đội đã ngã xuống và tình thương chị dành cho những số phận không may.

Chuyện chị thường kể với bạn bè là chuyện về hoàn cảnh của những nạn nhân. Chị kể về gia đình nạn nhân Trần Thanh Sang (11 tuổi, ở khu phố 4) che mấy tấm tol trên khu đất nghĩa địa để ở.

Cả nhà 3 người ngủ dưới nền xi măng; mưa thì ẩm ướt, nắng thì nóng như hỏa lò. Cha của Sang bị bệnh tâm thần nhẹ, tháng mưa có thể đi làm mướn, tháng nắng chạy rong ngoài đường. Mẹ của Sang gác cửa nhà vệ sinh, mỗi ngày đi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau mới về. Hội Nạn nhân da cam phường muốn vận động cất cho họ căn nhà tình thương nhưng lại không có đất.

Chị kể về gia cảnh anh Huỳnh Anh Tuấn (ngụ khu phố 5). Anh Tuấn có 2 con, cả 2 đều là nạn nhân. Đứa lớn là Huỳnh Kim Ngân (nữ) đã 23 tuổi, không đi đứng được, nay thêm bệnh tiểu đường. Đứa nhỏ là Huỳnh Kim Ngọc (nam) 21 tuổi, bị vẹo cốt sống, teo chân, suốt ngày ngồi trên xe lăn.

Cả 2 đều không tự phục vụ được, chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân… đều do cha mẹ làm giúp. Vợ anh bị bệnh tiểu đường nặng, ở nhà trông con; anh bị bệnh tim và cao huyết áp, nhưng phải đi làm mướn để nuôi gia đình.

Hay trường hợp của bé Nguyễn Kim Long (ở khu phố 3) 13 tuổi chỉ nặng có 7 ký, không đi đứng được, cha mẹ sống bằng nghề bán vé số…

Lần nào vận động được quà chị cũng ưu tiên cho các hộ này. Chị còn đề nghị Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ của phường hỗ trợ. Chị vui mừng cho biết, từ đầu năm đến nay chị đã vận động được 68 suất quà, trị giá 15,9 triệu đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho thêm 13 suất, tổng trị giá  5,5 triệu đồng nên các hộ nạn nhân nghèo đều được quà, có hộ được tặng 2 lần. Những buổi lễ phát quà dù của cấp nào, nhưng nếu có cho nạn nhân phường 2 thì bao giờ cũng có mặt chị. Chị phải trực tiếp đưa nạn nhân của mình đến nơi, nhìn họ nhận quà thì mới yên lòng.

Chị nói, tuy mình cũng là nạn nhân, cũng sống nhờ thuốc nhưng so với những nạn nhân khác mình còn khỏe hơn, cuộc sống cơ bản ổn định, không phải lo chuyện miếng cơm manh áo thì phải làm điều gì đó để góp phần xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh.

NGỌC THỦY

.
.
.