Thứ Hai, 17/08/2015, 09:43 (GMT+7)
.

Công tác đặc xá khẳng định truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đã quyết định về đặc xá, tha tù cho phạm nhân đang thụ án có thời hạn trong cả nước, PV Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015 xung quanh vấn đề này.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đặc xá lần này tiếp tục khẳng định truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đặc xá lần này tiếp tục khẳng định truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ. Ảnh: VGP/Lê Sơn
 
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đã quyết định về đặc xá, tha tù cho phạm nhân đang thụ án có thời hạn trong cả nước, PV Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015 xung quanh vấn đề này.

Thưa Phó Thủ tướng, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định về đặc xá năm 2015. Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa đặc biệt của đặc xá lần này?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về đặc xá năm 2015.

Đặc xá lần này tiếp tục khẳng định truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, thể hiện tính ưu việt của chế độ, khuyến khích người đang chấp hành án phạt tù ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở về với gia đình, cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Đặc xá còn có ý nghĩa to lớn đối với gia đình người được đặc xá khi được đoàn tụ, cùng nhau khắc phục những khó khăn trong cuộc sống thường ngày để xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Xin Phó Thủ tướng cho biết và đánh giá về tỉ lệ người được đặc xá tái phạm? Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá như thế nào về kết quả công tác đặc xá qua những lần đặc xá trước đây của nước ta?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong những năm qua, Nhà nước ta đã nhiều lần thực hiện đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hàng nghìn người bị kết án phạt tù.

Tính riêng từ khi có Luật Đặc xá năm 2007 đến năm 2013, chúng ta đã thực hiện 5 đợt đặc xá cho hơn 63.000 phạm nhân.

Mặc dù số lượng người được đặc xá lớn, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được bảo đảm. Đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỉ lệ người được đặc xá tái phạm thấp. Qua theo dõi đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), sau một năm thực hiện đặc xá, số người tái phạm chỉ khoảng trên 100 người, chiếm tỉ lệ 0,73% so với tổng số người được đặc xá.

Công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia Phòng, chống tội phạm, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống các thế lực thù địch xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Thưa Phó Thủ tướng, Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2015 đã có chỉ đạo như thế nào để công tác xét đặc xá năm 2015 bảo đảm khách quan và công bằng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong công tác xét, đề nghị đặc xá, việc bảo đảm khách quan, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch luôn được quan tâm, coi trọng.

Để làm tốt việc này, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá; chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phổ biến công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân, kể cả người bị kết án phạt tù hiểu rõ và cùng tham gia giám sát. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây phiền hà trong quá trình xét đặc xá.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình. Ảnh: VnExpress
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình. Ảnh: VnExpress

Hội đồng Tư vấn đặc xá cũng ban hành kế hoạch công tác cụ thể, phân công các thành viên kiểm tra, giám sát ở các đơn vị, địa phương cũng như tự tổ chức kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.

Vậy Chính phủ đã có biện pháp gì để phòng ngừa những người được đặc xá tái phạm, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Để phòng ngừa người được đặc xá tái phạm, Chính phủ đã có Nghị định số 80/NĐ-CP năm 2011 quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá.

Bộ Công an cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương triển khai cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2015, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu sau.

Một là, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác đặc xá nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, xóa bỏ kỳ thị đối với người được đặc xá và quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Hai là, tăng cường theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, tránh tái phạm.

Ba là, nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng về cuộc trao đổi này!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.