Thứ Sáu, 28/08/2015, 11:17 (GMT+7)
.

Phòng chống bạo lực gia đình: Thực trạng và giải pháp

Bạo lực gia đình (BLGĐ) không phải bây giờ mới có, thế nhưng trong cuộc sống hiện đại tình trạng này diễn biến khá phức tạp và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Làm thế nào để phòng, chống BLGĐ hiệu quả, góp phần giữ gìn mái ấm gia đình đang là vấn đề cần được quan tâm.

BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIẢM

Có thể nói, BLGĐ như chồng ngược đãi, đánh đập vợ; cha mẹ ngược đãi, đánh đập con cái; anh em trong nhà chửi, đánh nhau… là vấn đề đáng lo ngại cho toàn xã hội.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2009 toàn tỉnh phát hiện và xử lý 818 vụ BLGĐ; đến năm 2014 xảy ra 68 vụ và 6 tháng đầu năm nay phát hiện 45 vụ BLGĐ. Số liệu trên cho thấy tình trạng BLGĐ trong tỉnh giảm, là kết quả từ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp có liên quan trong công tác phòng, chống BLGĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Mặt khác, phối hợp triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về phòng, chống BLGĐ; mở nhiều lớp tập huấn, sinh hoạt CLB “Gia đình bền vững”, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội thảo, tọa đàm, sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền và tổ chức sinh hoạt lồng ghép các nội dung phòng, chống BLGĐ gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa…, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới và về phòng, chống BLGĐ.

Toàn tỉnh hiện có 292 “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng và trên 300 CLB “Gia đình phát triển bền vững” hoạt động hiệu quả. Các huyện, thành, thị cũng đã thiết lập mạng lưới hoạt động ở cơ sở, lồng ghép nội dung bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các CLB “Nam giới không bạo hành”, “Người cha mẫu mực”, “Phụ nữ tự chủ”… được thành lập và hoạt động khá hiệu quả.

KHÓ XỬ LÝ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Theo phân tích từ Báo cáo tổng hợp thông tin về bạo lực gia đình của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (trực thuộc Sở VH-TT&DL) trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy: Có đến 44/45 vụ bạo lực gia đình được phát hiện là do nam giới gây ra, trong đó có 28 vụ bạo lực tinh thần, 17 vụ bạo lực thân thể và bạo lực về kinh tế.

Trên thực tế, số liệu về bạo lực gia đình không phải đã giảm chỉ còn vài chục vụ như con số thống kê được, vì con số thống kê được chỉ là những vụ việc đã được đưa ra chính quyền giải quyết.

Về vấn đề này, bà Lê Thanh Lan, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình cho biết: “Trên thực tế, số vụ bạo hành đã giảm nhiều, đặc biệt là bạo hành về thân thể; tuy nhiên những hình thức bạo hành khác vẫn còn diễn ra khá phổ biến và số liệu thực về bạo lực gia đình sẽ cao hơn con số thống kê được là chuyện đương nhiên”.

Bà Lan cho rằng, sở dĩ không thể thống kê được chính xác số vụ bạo lực gia đình vì không phải ai bị bạo lực cũng khai báo. Phụ nữ vẫn là nạn nhân chính của bạo lực gia đình hiện nay, nhưng chị em thường cam chịu vì “sợ xấu chàng, hổ nàng” nên giữ kín không cho ai biết, như trường hợp của T., ngụ xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) đang đêm T. bị chồng khóa cửa nhốt trong nhà để hành hung.

Cuối cùng cô thoát ra được và trèo từ lan can lầu 1 qua nóc nhà hàng xóm rồi ôm cột điện tuột xuống đất để thoát thân. Sau đó T. phải nhập viện điều trị chấn thương. Đây không phải là lần đầu tiên T. bị chồng hành hung phải nhập viện. Trước đó, khi đang mang thai hơn 5 tháng, T. cũng từng phải bò sang nóc nhà hàng xóm để lánh nạn, nhưng chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở không nắm được vì T., những người thân  của T. và những người hàng xóm không khai báo.

Bên cạnh đó, thái độ dửng dưng, vô cảm của một bộ phận người dân xem chuyện BLGĐ là chuyện riêng của người khác, nên khi thấy hành vi BLGĐ xảy ra đã không can thiệp, không ngăn chặn. Mặt khác, đời sống kinh tế gia đình quá khó khăn, bế tắc… cũng là những nguyên nhân dẫn tới BLGĐ. Đặc biệt là việc xử lý hành vi BLGĐ hiện gặp rất nhiều khó khăn mặc dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các nghị định hướng dẫn thi hành, vì quy trình xử lý theo quy định quá rườm rà và mất thời gian nên phần lớn những vụ bạo hành đều bị xử lý hành chánh với lỗi “gây rối trật tự công cộng”, mức phạt nhẹ hơn nhiều so với khung phạt của bạo lực gia đình.

Cụ thể, Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày ban hành vào tháng 10-2009 cho đến khi hết hiệu lực thi hành vào năm 2014, toàn tỉnh chỉ xét xử có 3 vụ theo Nghị định này. Và từ khi Nghị định 167 ra đời thay thế cho Nghị định 110 đến nay vẫn chưa áp dụng được để xử lý vụ vi phạm BLGĐ nào.

Tìm hiểu nguyên nhân của BLGĐ, cho thấy chủ yếu là do bất bình đẳng giới, do quan niệm lạc hậu của một bộ phận người dân “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”. Người thực hiện BLGĐ thường là những người chồng sa vào các tệ nạn xã hội như: Học vấn thấp, nghiện rượu, nghiện hút (chích) ma túy hoặc gia trưởng, ngoại tình, ghen tuông… Những người này thường thiếu suy nghĩ và không tỉnh táo khi xử sự các mâu thuẫn gia đình và những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày.

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, trong thời gian tới cần tăng cường thông tin tuyên truyền, đây là biện pháp chủ yếu để nâng cao ý thức tự giác của người dân đối với việc chấp hành pháp luật liên quan đến gia đình. Cần phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình: “Sống kính trên, nhường dưới”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Anh em như thể chân tay”, “Lá lành đùm lá rách”.

Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của BLGĐ; đồng thời trang bị cho họ một số kiến thức về học vấn, nghề nghiệp, ý thức vươn lên làm chủ bản thân, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, đưa các tiêu chí không có BLGĐ lồng ghép vào các tiêu chí khác để công nhận gia đình văn hóa, ấp (khu phố) và xã (phường, thị trấn) văn hóa. Xử lý nghiêm những người có hành vi BLGĐ  theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện việc lồng ghép Chương trình phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới.  

THỦY HÀ

.
.
.