Thứ Tư, 26/08/2015, 13:25 (GMT+7)
.

Quê hương đi lên theo những con đường

Đến với xã “vùng biên” Tân Thanh (thuộc huyện Cái Bè, giáp với tỉnh Đồng Tháp) hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của xã vùng sâu này ngày nào. Những con đường rộng tênh, phẳng lì xuyên qua những vườn cây ăn trái rợp bóng xum xuê, hay dọc qua những dãy nhà tường san sát với tường rào kín kẽ như dãy phố thay thế cho những con đường lầy lội, nhỏ hẹp. Đường sá thông thoáng, người qua lại cũng nhộn nhịp hơn.

Đường GTNT ở xã Tân Thanh.
Đường GTNT ở xã Tân Thanh.

Chứng kiến hình ảnh quê hương mình khang trang, sáng đẹp hôm nay, ông Châu, ấp 1, xã Tân Thanh bồi hồi nhớ về cái thời mà phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, vỏ lãi. “Không phải người dân ở đây thích đi ghe hay vỏ lãi đâu, mà vì nơi đây kinh, rạch chằng chịt, việc đi lại bằng đường bộ rất khó khăn.

Rồi đường được trải đan nhưng còn hẹp lắm, chúng tôi nghĩ như thế đã quá đủ rồi. Ai ngờ giờ đây, ở vùng sâu, vùng xa này, xe 4 bánh có thể vào tận nhà. Điều này trước đây tôi chưa từng nghĩ tới”- ông Châu bày tỏ.

Con đường từ UBND xã vào ấp 1 (xã Tân Thanh) nhỏ hẹp, phải qua nhiều cây cầu thô sơ ngày nào thì giờ đây xe hơi mà tôi đi nhờ của anh bạn đồng nghiệp đã có thể vào tận nơi. Nói là đường nhưng thực chất trước đây nó là những con đê bảo vệ vườn cây ăn trái, nhà dân.

Về sau, đê được nâng cấp dần và trở thành đường giao thông phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong ấp, liên ấp. Không chỉ thế, con đường kế bên thuộc ấp 2 cũng bắt đầu hình thành từ nhu cầu bảo vệ sản xuất như thế và giờ đây cũng là con đường nhựa rộng tênh chạy bao quanh ấp.

Cách trung tâm tỉnh khoảng 60 km, sau chiến tranh, Tân Thanh cũng như nhiều vùng nông thôn khác, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn rất yếu kém. Mãi đến những năm cuối của thế kỷ XX, trên địa bàn xã chưa có tuyến đường nào được trải vật liệu cứng nói gì đến đường nhựa. Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thanh nhận thấy cần phát triển giao thông nông thôn (GTNT) để thuận tiện cho việc vận chuyển trái cây, hàng hóa.

Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là cơ sở cho việc phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn. Thế rồi, Tân Thanh đã trở thành một trong những xã tiên phong trong xây dựng GTNT. Phong trào thực hiện được một thời gian thì bị chựng lại do có quy định về vận động nguồn lực trong dân. Cho đến đầu năm 2011, Tân Thanh được đưa vào danh sách những xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã tranh thủ nội lực và ngoại lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xác định lại lợi thế từng vùng sản xuất các loại cây ăn trái, hoạt động thương mại, dịch vụ. Qua hơn 10 năm thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” vào xây dựng GTNT và hơn 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay mạng lưới giao thông trên địa bàn xã phát triển đến tận xóm, ấp với những con đường mang đậm dấu ấn của cộng đồng.

Cụ thể như công trình đường nhựa Cái Lân - Rạch Ruộng Cây Gòn, đường Ông Thọ đến trường tiểu học với số tiền hưởng ứng đóng góp của nhân dân lên đến 200 triệu đồng và còn ủng hộ 150 triệu đồng xây dựng cầu Cái Sơn… Không chỉ hiến đất, vật kiến trúc làm đường, người dân Tân Thanh còn sẵn sàng bỏ tiền ra làm nền hạ để giảm chi phí đầu tư từ vốn ngân sách.

Theo thống kê của UBND xã Tân Thanh, chỉ qua hơn 4 năm xây dựng NTM, Tân Thanh đã bê tông hóa, nhựa hóa 100% đường trục xã, liên xã (18,6 km); cứng hóa 50% đường trục ấp, liên ấp (11 km); cứng hóa 45% đường ngõ xóm (12 km) và không có đường lầy lội vào mùa mưa với tổng kinh phí thực hiện 42,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng.

Giao thông phát triển tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là trái cây, đã góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển. Tân Thanh hôm nay cũng là hình ảnh của những xã vùng sâu của tỉnh đã thật sự khởi sắc, chuyển mình đi lên theo những con đường.

NGÔ VĂN

.
.
.