Thứ Hai, 14/09/2015, 15:03 (GMT+7)
.

Hành trình vượt khó của vợ chồng mù

Dù mưa hay nắng, trên các tuyến đường gần chợ Bình Đức (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ mù dò dẫm qua các quán xá để bán từng tờ vé số. Đó là vợ chồng mù Nguyễn Văn Giàu và Nguyễn Thị Huỳnh Nga.

Gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Giàu ít ánh sáng nhưng nhiều tiếng cười.
Gia đình nhỏ của anh Nguyễn Văn Giàu ít ánh sáng nhưng nhiều tiếng cười.

DUYÊN PHẬN 2 NGƯỜI MÙ

Anh Nguyễn Văn Giàu, sinh năm 1977, quê ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. Vì nhà nghèo lại đông anh em, nên khi mới học đến lớp 6, anh Giàu đã phải nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. Chẳng may năm 18 tuổi, sau cơn bệnh nặng, không tiền chạy chữa đến nơi đến chốn, đôi mắt của anh Giàu hoàn toàn không còn nhìn thấy ánh sáng.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, giờ đây trước mắt anh Giàu chỉ là một màu đen tối, không tránh khỏi sự suy sụp và chán nản trong anh. Số phận không cho phép anh gục ngã, vì anh còn ba mẹ già và em thơ cần chăm sóc.

Anh Giàu đành đi bán vé số kiếm sống để không là gánh nặng cho gia đình. Bên cạnh, anh còn tham gia sinh hoạt trong Hội Người mù huyện Châu Thành, được học nghề, học chữ nổi dành cho người mù. Tại đây, anh Giàu đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống và tìm được tình yêu lớn nhất của đời mình.

Người con gái mù Nguyễn Thị Huỳnh Nga (sau này là vợ anh Giàu), quê ở xã An Hữu, huyện Cái Bè. Chị Huỳnh Nga bị mù bẩm sinh. Năm 25 tuổi, chị Huỳnh Nga xin vào Hội Người mù huyện Châu Thành ở và học nghề, rồi hàng ngày đi bán vé số kiếm sống.

2 số phận mù gặp nhau, anh Giàu và chị Huỳnh Nga đã làm quen nhau trong buổi trao quà của Hội Người mù. Từ đó, dù không biết mặt nhau, nhưng 2 con tim đã hòa chung nhịp đập. Anh chị biết nhau chỉ qua giọng nói và yêu nhau cũng chỉ nghe qua tiếng nói.

Anh Giàu chia sẻ: Hơn 6 năm trước, anh và Nga quen nhau. Tình yêu của 2 người cũng đơn giản, lâu lâu bán hết vé số sớm anh đến Hội Người mù thăm Nga, rồi trò chuyện, hỏi thăm lẫn nhau. Sau hơn 3 năm thì cưới. Có thể nói anh chị yêu nhau qua tiếng nói, sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau.

Anh Giàu, chị Nga quyết gắn bó với nhau và chấp nhận cùng nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, dẫu biết trước sẽ phải trải qua nhiều chông gai. Đám cưới của anh chị không có mâm cao cỗ đầy, nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc với sự chúc phúc của 2 bên gia đình và mọi người trong Hội Người mù.

Khả năng nhìn thấy của bé Nguyễn Huỳnh Vũ Duy rất hạn chế.
Khả năng nhìn thấy của bé Nguyễn Huỳnh Vũ Duy rất hạn chế.

Thế là 2 số phận cùng cảnh ngộ đã gắn bó với nhau bằng tình cảm chân thành. Anh Giàu cho biết: Cưới nhau xong anh chị vẫn tiếp tục bán vé số. Nghề bán vé số phải chịu nhiều buồn tủi, có chủ quán thương tình thì cho vô bán, có người thì xua đuổi. Cũng có lúc người ta lừa anh chị dùng tiền giả mua vé số, rồi bị côn đồ giật mất vé, nhưng anh chị luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Qua bao năm vất vả bán vé số, anh Giàu, chị Nga đã tích góp mua được 1 nền nhà ở xã Bình Đức. Anh Giàu cho biết: “Cũng nhờ người thân thương tình nên bán nền nhà với giá rẻ. Năm 2014, được các nhà hảo tâm hỗ trợ nên đã xây được ngôi nhà nhỏ, vừa có chỗ che mưa che nắng, vừa thuận tiện cho 2 vợ chồng đi bán vé số, không phải vất vả qua đò về xã Thới Sơn”.

QUYẾT TÌM ÁNH SÁNG CHO CON

Giờ đây trong ngôi nhà nhỏ, ấm cúng của vợ chồng mù giàu nghị lực đã có thêm thành viên mới. Đứa con trai kháu khỉnh gần 2 tuổi đã bập bẹ gọi “ba, mẹ”. Tuy vậy, trong 2 đôi mắt đục ngầu của anh Giàu, chị Nga tưởng chừng như vô hồn, nhưng chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm.

Anh Giàu cho biết: Khi vợ chồng quyết định có con, mọi người phản đối. Họ bảo đã nghèo, lại mù, sao mà nuôi nổi con. Thời gian Nga mang thai, anh cứ phập phồng lo âu, lỡ con sinh ra cũng phải chịu số phận như mình thì sao. Nhưng khi nghĩ đến đứa bé, anh chị hạnh phúc lắm.

Anh chị đặt tên con là Nguyễn Huỳnh Vũ Duy, gửi hết niềm tin và hy vọng vào con. Khi Vũ Duy chào đời, bác sĩ nói Vũ Duy bị bệnh glôcôm bẩm sinh, nếu không chạy chữa sẽ bị mù. Nỗi đau này còn đau hơn lúc anh không còn được nhìn thấy ánh sáng.

Trước đây vợ chồng nuôi nhau, cuộc sống đã vất vả. Nay có thêm 1 đứa bé, trăm thứ phải lo, nỗi vất vả càng nhân lên gấp bội. Anh chị lại động viên nhau cố gắng nhiều hơn. Hành trình tìm kiếm “ánh sáng” cho con của họ bắt đầu sớm hơn và thường kết thúc muộn hơn để kiếm thêm từng đồng lo chữa mắt cho con. Con là ánh sáng của cuộc đời, là mục đích sống, giúp anh chị vượt qua những khó khăn trước mắt.

Được biết, gần 2 năm nay cứ đều đặn hàng tháng anh chị phải nhờ người thân đưa Vũ Duy đến Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh để khám và nhận thuốc, mỗi tháng chi phí trên 1 triệu đồng từ tiền chắt chiu bán vé số. Chị Huỳnh Nga xúc động: “Tháng trước, bác sĩ khuyên nên gắn van vào 2 mắt của con để ngăn chảy nước mắt thường xuyên. Chi phí gắn van hơn 20 triệu đồng. Phải vay mượn khắp nơi mới đủ chi phí gắn 1 van bên mắt phải của con”.

Nhìn người cha mù đút cháo cho đứa con nhỏ mà không khỏi xúc động. Đứa bé tinh nghịch, ngồi không yên, muỗng cháo lại đút nhằm lên mũi, lên má. Tôi không biết cậu bé có nhìn thấy hay không, nhưng khi nghe tiếng động, tiếng gọi, cậu bé lại nheo mắt nhìn, trông rất tội nghiệp.

Mệt lả với những bước chân trên đôi dép mòn vẹt, anh Giàu phải đi bán vé số thêm vào ban đêm để có thêm tiền lo cho con. Anh Giàu, chị Nga luôn có niềm tin: “Dù biết gắn van khả năng nhìn thấy của con cũng rất hạn chế, nhưng hàng ngày vẫn nuôi hy vọng mắt con sẽ mau lành. Mệt mỏi nhưng chỉ cần cảm nhận con yêu lớn nhanh từng ngày, mọi vất vả dường như tan biến”.

Câu chuyện “cổ tích” về tình yêu và nghị lực vượt khó của anh Giàu, chị Nga tưởng chừng sẽ có một kết thúc có hậu, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục thử thách vợ chồng mù đáng thương này. Mong sao, bằng ý chí và nghị lực, anh Giàu, chị Nga sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách.

P. MAI

.
.
.