Thứ Tư, 02/09/2015, 10:08 (GMT+7)
.

Mưu sinh trên những chuyến phà cuối

Chỉ còn vài ngày nữa phà Mỹ Lợi sẽ trở thành hoài niệm đối với những người đã từng có dịp đi trên con phà này. Cầu Mỹ Lợi sẽ được đưa vào sử dụng, khép lại “sứ mệnh” đưa rước khách trong hơn nửa thế kỷ qua của bến phà.

Cuộc đời gắn liền với những chuyến phà

Ngoài nhiệm vụ đưa rước khách, phà Mỹ Lợi còn là nơi để nhiều người mưu sinh, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Nhiều người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình với bến phà. Ông Phạm Văn Điều, Phó Bến trưởng phà Mỹ Lợi cho biết: “Số người làm việc và mưu sinh tại đây khoảng 200 người, bao gồm: nhân viên của bến phà, những người bán hàng rong, chạy “xe ôm”,  bán vé số, chưa kể một số hàng quán buôn bán quanh đây. Hầu như đây là nghề chính của họ”.

Khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành và đưa vào sử dụng, những chuyến phà qua sông Vàm Cỏ nối Tiền Giang với Long An sẽ chỉ còn lại trong hoài niệm.
Khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành và đưa vào sử dụng, những chuyến phà qua sông Vàm Cỏ nối Tiền Giang với Long An sẽ chỉ còn lại trong hoài niệm.

Ở tuổi 56, bảo vệ Trần Công Thượng có 22 năm gắn bó với bến phà Mỹ Lợi. Hàng ngày ông vẫn miệt mài với công việc đóng, mở cổng nhà chờ và hướng dẫn các phương tiện lưu thông lên và xuống phà. Mọi việc đã trở thành một thói quen, cứ lặp đi lặp lại đều đặn. Nhiều năm gắn bó với những chuyến phà, nghĩ tới ngày bến phà không còn hoạt động nữa ông Thượng bỗng trở nên trầm tư.

Thủy thủ Nguyễn Xuân Hồng, phà V.100 chia sẻ: “Tôi nghĩ đã đến lúc chiếc cầu thay thế những chuyến phà, như thế thì việc đi lại của người dân mới thuận tiện. Đôi lúc cũng cảm thấy hụt hẫng nhưng vẫn vui vì không còn cái cảnh đò giang cách trở”.

Đối với những người bán hàng rong, anh chạy “xe ôm”, chị bán vé số, họ vẫn miệt mài với công việc thường ngày của họ để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy không nói ra nhưng ẩn sâu trong đôi mắt họ là sự lo lắng về tương lai và lưu luyến với nơi đã một thời gắn bó. Ở tuổi 39, anh Lưu Thanh Huệ có 22 năm hành nghề bán vé số tại bến phà Mỹ Lợi nói trong tiếc nuối: “Bây giờ, tôi cố gắng buôn bán kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Sau này, khi phà không còn hoạt động, tôi dự định mướn 1 miếng đất ở dưới chân cầu để buôn bán. Nhưng điều tôi lo ngại là tiền thuê mặt bằng đắt quá, trong khi chưa biết công việc buôn bán có thuận lợi hay không”.

Khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành và đưa vào sử dụng, những chuyến phà qua sông Vàm Cỏ nối Tiền Giang với Long An sẽ chỉ còn lại trong hoài niệm.
Bà Lê Thị Kê vẫn cặm cụi với nghề bán hàng rong.

Suy nghĩ của anh Huệ cũng là suy nghĩ chung của nhiều người mưu sinh ở đây, khi phải rời xa những chuyến phà đã từng gắn liền với cuộc đời họ.

Niềm vui và nỗi buồn

Khi cầu Mỹ Lợi được khánh thành, Tiền Giang sẽ được “kéo” lại gần TP. Hồ Chí Minh hơn. Đây là cơ hội trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Gò Công nói riêng và Tiền Giang nói chung. Người dân không còn phải chịu cảnh “sang sông phải lụy con đò”.

Sự hứng khởi khi không còn phải chờ phà nữa hiện rõ trên từng khuôn mặt của các hành khách. Ông Phạm Ngọc Quốc Việt, 67 tuổi thường xuyên qua lại ở bến phà Mỹ Lợi nói trong vui mừng: “Có cầu rồi thì việc đi lại sẽ được thuận tiện hơn, không tốn nhiều thời gian để qua sông như đi bằng phà. Kinh tế của tỉnh nhà sẽ có cơ hội để phát triển hơn nữa”.

Bên cạnh những vị khách với vẻ mặt vui mừng thì vẫn có một số hành khách tỏ vẻ bâng khuâng, lưu luyến. Học tập tại TP. Hồ Chí Minh, sinh viên Trọng Nghĩa thường xuyên về thăm quê ở TX. Gò Công cho biết: “Mỗi lần về thăm nhà ngán nhất là cái cảnh chờ phà, có khi mất cả giờ để chờ, chỉ mong sao cho cầu xây xong để thoát khỏi cái cảnh chờ đợi. Tuy nhiên, khi chiếc cầu đã xây xong, sắp đưa vào sử dụng, những chuyến phà cũng sẽ chỉ còn là kỷ niệm thì bỗng nhiên trong lòng lại thấy nao nao, bồi hồi vì mãi mãi sẽ không còn đứng trên những chuyến phà này nữa”.

Những người mưu sinh tại bến phà thì không giấu được vẻ lo lắng về tương lai của mình. Ở tuổi 64, bà Lê Thị Kê có hơn 40 năm buôn bán hàng rong tại đây. Dù mái đầu đã bạc phơ nhưng hàng ngày bà vẫn cặm cụi đi bán từng cái bánh bông lan, gói thuốc lá… để mưu sinh. “Đây là nghề duy nhất, giúp tôi nuôi lớn đàn con của mình. Sắp tới không còn những chuyến phà nữa, tôi cũng chưa có dự định gì cho tương lai. Lớn tuổi rồi, ngoài việc buôn bán này ra thì cũng không biết làm gì” - bà Kê thở dài.

Đối với những người chạy “xe ôm”, trên khuôn mặc hốc hác, làn da cháy nắng của họ cũng không tránh khỏi những âu lo về cơm, áo, gạo, tiền. Ông Lê Viết Minh, 42 tuổi, có 11 năm  chạy “xe ôm” tại bến phà Mỹ Lợi, mắt hướng về những đám lục bình trôi lững lờ dưới dòng sông, chia sẻ: “Tôi chưa biết sao này mình phải làm gì nữa, ngoài chạy  “xe ôm” ra thì tôi không có nghề gì khác. Mỗi ngày chạy “xe ôm” ở bến phà cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng để nuôi vợ và 4 con nhỏ. Phà ngưng hoạt động tôi không biết sẽ sống ra sao, chắc phải đi đâu đó để làm thuê kiếm tiền lo cho mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học”.

Các sạp buôn bán hàng hóa quanh bến phà cũng lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Bà Lê Thị Thu Thủy, chủ một sạp hàng tại đây cho biết: “Tại bến phà này có vài chục sạp bán hàng như tôi. Một tuần trở lại đây buôn bán rất ế ẩm, bây giờ bán được bao nhiêu thì đỡ bấy nhiêu. Sau này tôi dự định sẽ chuyển sang may gia công để kiếm sống, nhưng mình cũng có tuổi rồi, không biết có làm được không”.

Không chỉ riêng gì hoàn cảnh của ông Minh hay bà Kê, đa số những người buôn bán mưu sinh tại bến phà Mỹ Lợi chưa thể tìm ra cho mình những công việc để sinh sống sau khi bến phà ngừng hoạt động, tất cả đều chung một nỗi lo về tương lai bất ổn.

Cũng theo ông Phạm Văn Điều, Phó Bến trưởng bến phà Mỹ Lợi cho biết: “Bến phà có 71 nhân viên, phần đông là người tại địa phương, một số ít từ nơi khác đến. Sau khi bến phà không còn hoạt động nữa thì toàn bộ nhân viên được dự kiến sẽ chuyển về Trà Vinh để tiếp tục công tác. Xa quê hương, xứ sở, mọi người ai nấy cũng buồn”.

MINH THÀNH

Ngày mai (29-8), Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chính thức cho thông xe kỹ thuật cầu Mỹ Lợi nối TX. Gò Công (tỉnh Tiền Giang) và huyện Cần Đước (tỉnh Long An) trên tuyến Quốc lộ 50.

Một góc cầu Mỹ Lợi.
Một góc cầu Mỹ Lợi.

Theo Bộ GTVT, Dự án xây dựng cầu Mỹ Lợi đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 389/QĐ/GTVT ngày 23-2-2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã phê duyệt chuyển đổi hình thức đầu tư dự án và lựa chọn Liên danh Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Bê tông 620 Long An là Nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư trên 1.438 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư BOT trên 1.312 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Nhà nước.

Nội dung chủ yếu của dự án: Điểm đầu tại km33+650 trên Quốc lộ 50 thuộc địa phận xã Phước Đồng, huyện Cần Đước, tỉnh Long An; điểm cuối tại km36+543 trên Quốc lộ 50 thuộc địa phận xã Bình Đông, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến 2,691 km. Cầu được xây dựng rộng 12 m, gồm 2 làn xe cơ giới + 2 làn xe thô sơ; chiều dài phần cầu 1.422 m.

Dự kiến bắt đầu thu phí qua cầu từ tháng 11-2015 và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư xây dựng Dự án cầu Mỹ Lợi thay thế cho bến phà hiện hữu là rất cần thiết nhằm nối thông hoàn toàn tuyến Quốc lộ 50, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng các tỉnh duyên hải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.

SĨ NGUYÊN

 

.
.
.