Ông Nguyễn Văn Đức: Cả đời tâm huyết với sản xuất lúa giống
Cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Đức (68 tuổi) ở ấp Bắc, xã Tân Phú (TX. Cai Lậy) đã 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành tích mà ông Đức đạt được rất xứng đáng với những đóng góp của ông cho sự phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là với sản xuất lúa giống.
Ông Nguyễn Văn Đức bên ruộng lúa giống. |
Có được cơ ngơi khang trang bên cánh đồng bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa như hiện nay, ông Nguyễn Văn Đức đã có bước khởi nghiệp vô cùng gian khó. Như những địa phương thuần nông khác ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người dân xã Tân Phú - quê ông Đức có truyền thống độc canh cây lúa. Hạt lúa giúp nông dân khỏi cảnh đói nghèo nhưng không đủ sức giúp họ làm giàu, vì giá cả bấp bênh, trình độ thâm canh hạn chế. Ông Đức từng đối mặt với những vụ mùa thất bát do canh tác không hiệu quả, kinh tế gia đình lâm vào cảnh khốn khó.
Quyết tâm gắn bó với cây lúa, mấy chục năm cần mẫn với ruộng đồng là thời gian ông Đức không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh hiệu quả để nâng cao thu nhập. Cũng từ đam mê này, ông đến với việc sản xuất lúa giống.
Năm 2000, sau khi tham gia lớp tập huấn nhân giống lúa do Viện lúa ĐBSCL kết hợp Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang tổ chức, ông Đức chuyển 2,2 ha đất ruộng sản xuất lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống với sự hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu của Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang.
Ông Đức cho biết, tiêu chí trung tâm chọn hợp đồng là nông dân phải am hiểu kỹ thuật, trình độ thâm canh cao, cần cù, sáng tạo, nhạy bén học tập và ứng dụng những biện pháp khoa học nông nghiệp tiên tiến. Có cán bộ kỹ thuật đồng hành nhưng người nông dân vẫn trực tiếp quyết định để cho ra hạt giống khỏe, sáng chắc, đạt yêu cầu.
“Sản xuất lúa giống đòi hỏi kỹ thuật khắt khe, tốn nhiều công sức hơn lúa hàng hóa, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế từ đồng ruộng mang lại cao hơn. Cụ thể cứ 1 kg lúa giống sản xuất ra tính bằng 1,4 kg lúa thường và không còn lo cảnh bấp bênh bởi đầu ra ổn định” - ông Đức chia sẻ.
Với bao tâm huyết và công sức, hơn 10 năm sản xuất lúa giống, ông Đức thâm canh theo quy trình kỹ thuật luôn đạt năng suất cao. Bình quân mỗi năm ông đưa ra thị trường 30 tấn lúa giống với các giống chủ lực ở ĐBSCL như OM 4900, OM 5451, OM 3536, OM 6976…
Để nâng cao chất lượng hạt giống, ông còn đầu tư mua máy sấy lúa phục vụ phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch. Không chỉ là “kiện tướng” sản xuất lúa giống, ông Đức còn tăng thu nhập bằng mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Hệ thống chuồng trại của ông Đức luôn duy trì 50 heo thịt và heo sinh sản với sản lượng xuất chuồng hơn 10 tấn heo thịt/năm.
Không dừng lại ở việc sản xuất theo sự bao tiêu của Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang, từ năm 2011, ông Nguyễn Văn Đức và 11 nông dân tâm huyết đã thành lập Tổ Hợp tác (THT) lúa giống Tân Phú, hướng đến cung cách làm ăn tập thể theo yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, THT đã tìm đầu ra ổn định tại các đại lý khu vực ĐBSCL với sản lượng cung ứng khoảng 100 tấn lúa giống/năm. Làm ăn hiệu quả, THT đã mở rộng diện tích sản xuất lúa giống lên 15 ha, với 19 tổ viên tham gia.
Ở vai trò tổ trưởng, đã đúc kết kinh nghiệm qua thực tế sản xuất, ông Đức tận tình hướng dẫn các tổ viên áp dụng kỹ thuật chăm sóc, quản lý mạ khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh; đồng thời ứng dụng đồng bộ các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa... để đưa ra thị trường nguồn giống sạch, chất lượng, tỷ lệ nẩy mầm cao.
Với lòng nhiệt huyết gắn bó và góp phần cùng sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà, ông Nguyễn Văn Đức đã 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” vào năm 2010 và năm 2012.
Hiệu quả của mô hình sản xuất lúa giống và với những thành tích đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp, ông Đức càng làm cho người dân trong vùng tin tưởng, gắn bó với cây lúa và trên quê hương Ấp Bắc anh hùng ngày càng có thêm mô hình làm giàu hiệu quả.
TRƯỜNG GIANG