Ông Nguyễn Văn Tư: Thầy thuốc của bệnh nhân nghèo
Hơn 18 năm nay, ông Nguyễn Văn Tư (70 tuổi, sống tại ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) được người dân trong và ngoài xã biết đến như một lương y của người nghèo.
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của ông Tư ở ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, là địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân nghèo trong và ngoài xã. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con hẻm nhỏ đang sửa chữa để tìm đến nhà ông.
Ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã thấy hàng chục vị thuốc Nam còn nguyên cây chưa thái, còn trong nhà có hơn 10 người đang chờ bốc thuốc. Nổi bật là một người đàn ông dáng cao, gầy, mặc áo bà ba trắng, đầu tóc bới cao, bạc trắng đang đi tới đi lui bốc thuốc - đó chính là ông Nguyễn Văn Tư, bà con trong xã thường gọi với cái tên quen thuộc là thầy Tư Ơi.
Ông Nguyễn Văn Tư bên vườn thuốc Nam của mình. |
Nói về “cái duyên” của mình với nghề thuốc, ông Tư kể: “Năm 1963, ông tham gia kháng chiến, đến năm 1966 ông bị thương ở chân nên phải xuất ngũ. Ông không về nhà mà ở lại chùa Bửu Long Quy Tự, tỉnh An Giang, theo thầy Tư Ẩn học nghề thuốc Nam, phụ thầy bốc thuốc giúp người. Đến năm 1996, mẹ ông mất ông mới về đây”.
Với cái tâm của mình, năm 1997, ông Tư bắt đầu bốc thuốc miễn phí cho bà con trong xã. Nhìn ngôi nhà nhỏ xập xệ, chúng tôi hỏi sao ông không lấy nghề thuốc để tạo thu nhập?. Ông nhìn vào bàn thờ tổ tiên rồi nói: “Ông làm vậy là theo lời dạy “lá lành đùm lá rách” của ông bà mình và cũng là làm theo truyền thống của thầy truyền lại: Bốc thuốc cứu người”.
Ông Nguyễn văn Tư đang bốc thuốc cho bệnh nhân. |
Hàng ngày, có hơn 20 bệnh nhân trong và ngoài xã đến nhà ông xin bốc thuốc. Ông Tư dựa trên chẩn đoán của bác sĩ Tây y và hỏi thêm triệu chứng của người bệnh mà bốc thuốc. Lúc đầu, ông bốc thuốc hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.
Ông cho biết: “Hồi đó ông bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân nhưng nhiều người không chịu, đòi trả ơn. Thấy vậy, sau này ông lấy mỗi thang thuốc 1 ngàn đồng để bệnh nhân không áy náy”. Tiếng lành đồn xa, đến nay nhà của ông Tư không chỉ là địa chỉ quen thuộc của bà con trong xã, mà cả những người ở xã khác, tỉnh khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Long An… cũng tìm đến.
Anh Đặng Ngọc Nguyên (34 tuổi, ấp Hưng, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Năm 2001 tôi bị sạn thận, do gia đình khó khăn nên không có tiền chữa trị. Tôi tìm đến thầy để bốc thuốc uống qua ngày. Uống thuốc được vài lần bệnh thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Để trả ơn thầy, hàng ngày sau khi xong việc đồng án tôi tranh thủ xuống phụ giúp thầy chặt thuốc”.
Bà Mai Thị Châu đang chặt thuốc. |
Nguồn thuốc để cung cấp cho bệnh nhân rất đa dạng. Những bệnh nhân đến bốc thuốc, thấy cây thuốc có sẵn trong vườn nhà hái đem đến cho ông để trả ơn. Người tự tay đem đến thì ông còn biết mặt, còn người nhờ xe đem đến thì ông đành chịu không biết ai.
Một phần nữa là từ vườn thuốc Nam ông trồng ở vườn nhà. Nhưng đó chỉ là những nguồn phụ, nguồn thuốc chính là những chuyến đi từ 16 - 18 ngày của ông Tư và anh Đặng Ngọc Nguyên hái về ở tận vùng rừng núi huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi chúng tôi hỏi có ai nghi ngờ ông “mượn danh nghĩa phòng khám để trục lợi” không, ông tâm sự: “Lúc trước có mấy chú ở huyện xuống kiểm tra, vì tôi chỉ học nghề cổ truyền từ cha ông đi trước nên không có bằng cấp, mấy chú đó bắt tôi phải nghỉ. Bà con trong xã nghe tin, đã góp ý với mấy chú nên tôi được tiếp tục bốc thuốc giúp bà con tới ngày nay” .
PHAN THẮNG