Thứ Tư, 30/09/2015, 10:43 (GMT+7)
.

Quản lý đất đai ở TX. Gò Công - 30 năm nhìn lại

Tháng 10-1994, TX. Gò Công thành lập Phòng Địa chính TX. Gò Công (tiền thân của Phòng Tài nguyên và Môi trường ngày nay), với chức năng chính là tham mưu UBND thị xã thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, từng bước đưa tài nguyên đất đai trên địa bàn TX. Gò Công đi vào quản lý, sử dụng chặt chẽ và hiệu quả. Năm 2002, Phòng Địa chính sáp nhập Phòng Quản lý đô thị thành Phòng Quản lý Đô thị - Nhà đất. Tháng 4-2005, bộ phận đất đai và môi trường của Phòng Quản lý Đô thị - Nhà đất được tách ra để thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Nhìn chung, sau 30 năm thực hiện, tương ứng với chặng đường thực hiện Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 và năm 2013, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai từ khó khăn ban đầu đã dần đi vào ổn định, ngày một hiện đại và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Hoạt động đo đạc, chụp ảnh.
Hoạt động đo đạc, chụp ảnh.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân dân trên địa bàn TX. Gò Công hiểu rõ tầm quan trọng của việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất. Đây vừa là cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, vừa là căn cứ xác định quyền sử dụng của từng cá nhân/hộ gia đình đối với thửa đất mình canh tác, sử dụng.

Đến nay thị xã đã cấp 23.760/24.083 GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp lần đầu, đạt 98,66% và 6.985/7.061 GCN quyền sử dụng đất ở đô thị lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt 98,92%. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ phấn đấu cấp 99% GCN quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình/cá nhân trên địa bàn TX. Gò Công.

Đối với đất của các tổ chức, thực hiện Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 29-10-2009 của Chính phủ về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Quyết định 38/2011/QĐ-UBND ngày 15-11-2011 của UBND tỉnh Quy định cơ chế liên thông trong việc giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các trường hợp biến động sau cấp GCN đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đến nay đã có 168/199 tổ chức đã được cấp GCN quyền sử dụng đất. Đối với các tổ chức còn lại, đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp GCN quyền sử dụng đất.

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai không chỉ là việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho hộ gia đình/cá nhân mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của địa phương, thể hiện cụ thể qua nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất. Đây là một trong các nguồn thu ngân sách quan trọng, quyết định đến việc đầu tư thực hiện các dự án, công trình phát triển cơ sở hạ tầng của TX. Gò Công.

Theo đó, nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất trên địa bàn TX. Gò Công tăng lên hàng năm, nếu như năm 2013 là 9,08 tỷ đồng thì năm 2014 tăng lên 11,65 tỷ đồng. Chính vì vậy, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, lãnh đạo TX. Gò Công xác định việc tăng cường hiệu quả sử dụng đất, làm sao để khai thác được hết giá trị sử dụng và sử dụng được bền vững quỹ đất trên địa bàn, tăng nguồn thu tiền sử dụng đất là nội dung quan trọng cần phải tập trung thực hiện để bảo đảm phát triển kinh tế của địa phương.

Một thành tựu đáng chú ý của TX. Gò Công về quản lý đất đai và việc thực hiện hoàn thiện, hiện đại hóa ngành quản lý đất đai theo dự án VLAP, đến nay, 12/12 đơn vị xã, phường của TX. Gò Công đã được số hóa toàn bộ bản đồ địa chính với thông tin cụ thể về người sử dụng đất, diện tích thửa đất, ranh giới của từng thửa đất. Việc thực hiện số hóa này không chỉ đem lại sự thuận tiện, dễ dàng, ít sai sót trong công tác quản lý, cập nhật, truy xuất nhanh thông tin địa chính mà còn tạo thuận lợi, giảm chi phí thời gian, đi lại cho người dân trong quá trình thực hiện các giao dịch theo yêu cầu về đất đai.

Hiện nay, 12/12 đơn vị xã, phường đã được trang bị hệ thống máy vi tính và bản đồ địa chính đã được số hóa, làm cơ sở cho công chức địa chính - xây dựng thực hiện tốt hơn công tác tham mưu UBND xã, phường về quản lý đất đai ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, sau gần 30 năm tái lập và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, TX. Gò Công đã ngày một phát triển vươn lên, khẳng định vị trí là một đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh và là một thị xã văn minh đô thị với môi trường xanh, sạch, đẹp bằng nhiều dự án, công trình đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội như: Dự án đường Trương Định nối dài, đường dẫn vào cầu Mỹ Lợi, Công an thị xã Gò Công….

Có kết quả đó là do TX. Gò Công đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thời gian qua, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TX. Gò Công đã tham mưu UBND TX. Gò Công thực hiện rất tốt công tác bồi thường vừa bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đem lại lợi ích cao nhất cho người dân; đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của địa phương, góp phần thu hút đầu tư trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm.

Chẳng hạn như, năm 2008 thực hiện dự án đầu tư đường Trương Định nối dài với tổng diện tích đất thu hồi 19 ha với 115 hộ gia đình và 2 tổ chức có đất bị thu hồi. Dự án thực hiện 231 suất tái định cư với 17.556 m2. Ban đầu thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, nhiều hộ gia đình không đồng thuận với chủ trương thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ của UBND TX. Gò Công.

Tuy nhiên, sau quá trình vận động, giải thích nhân dân trong dự án đã hiểu được và thống nhất thực hiện. Nhờ vậy mà ngày nay, từ một vùng đất nông nghiệp kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn của phường 2 đã trở thành một khu đô thị hiện đại có đầu tư cơ sở hạ tầng về lưới điện thắp sáng, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải, kiến trúc xây dựng theo đúng quy hoạch đô thị. Có thể nói khu dân cư Trương Định là một “Phú Mỹ Hưng thu nhỏ” của TX. Gò Công và là niềm tự hào của người dân TX. Gò Công nói chung, phường 2 và phường 5 nói riêng.

Ngoài ra, còn nhiều dự án khác như: Kinh 14, Quốc lộ 50, Công an TX. Gò Công… và các công trình giao thông nông thôn. Việc thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ cho hộ gia đình/cá nhân trong khu vực thực hiện dự án vẫn bảo đảm đúng quy định và đất sau khi thu hồi được đưa vào sử dụng đúng với mục đích, kế hoạch đặt ra.

Đối với các công trình giao thông nông thôn, nhất là công trình giao thông nông thôn mở rộng đường theo chuẩn nông thôn mới tại các xã Tân Trung, xã Bình Đông và xã Bình Xuân, nhân dân tình nguyện hiến đất làm đường với diện tích lên đến hàng trăm m2 và giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó mà các công trình đường giao thông nông thôn ở các xã được triển khai thực hiện nhanh chóng; đồng thời tiết kiệm được nguồn ngân sách địa phương.

Đất đai vừa là sản phẩm của tự nhiên, vừa là sản phẩm lao động của con người. Đây là tài nguyên Quốc gia quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là môi trường sống, là địa bàn xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.

Do đó, việc quản lý, sử dụng đất đai sao cho hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cao không chỉ là việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật được quy định cụ thể tại Luật Đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mà còn đòi hỏi ở người được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài...

       NGUYỄN THỊ MỸ XUÂN

Phó Trưởng Phòng Tài nguyên
và Môi trường TX. Gò Công

.
.
.