Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Hưng: Gương sáng về tinh thần tự học
“Học nữa, học mãi” là mục tiêu phấn đấu của chị Đỗ Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Theo chị, học trước là tự hoàn thiện chính mình, sau là phục vụ tốt cho công việc.
Nghĩ thế nên hơn 15 năm công tác là ngần ấy thời gian chị không ngừng phấn đấu để nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng. Trước khi tham gia công tác bản thân chị sống bằng nghề mua bán, lúc đó gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, 2 đứa con còn trong tuổi ăn, tuổi học.
Đến cuối năm 2000, các anh lãnh đạo cấp ủy, UBND xã đến vận động chị tham gia công tác hội phụ nữ, lúc đầu chị ngần ngại không nhận lời vì sợ không có khả năng khi đứng nói chuyện trước chỗ đông người. Nhưng qua nhiều lần các anh đến động viên, chị nhận lời tham gia công tác, giữ chức vụ là Chủ tịch Hội LHPN xã.
Bước vào công tác hội khi đã 40 tuổi, trình độ học vấn 9/12, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ gì nhưng với quyết tâm không ngại khó, không ngại khổ chị đã tích cực học tập mọi lúc, mọi nơi để tự hoàn thiện bản thân mình, phục vụ cho công tác.
Lúc đầu, khi tổ chức họp ở các chi hội hay họp báo huyện hoặc họp các ngành… chị phải thức suốt đêm để nghiên cứu viết bài phát biểu. Chị luôn học hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ của các chủ tịch hội phụ nữ đi trước cũng như kinh nghiệm của các xã bạn, đặc biệt, là các chi hội trưởng…
Sau mỗi lần truyền thông tại ấp, chị hỏi các chị về hình thức truyền thông và phong cách truyền đạt của chị như thế đạt chưa, cần chấn chỉnh cái gì. Từ đó, mà chị được các chị yêu mến, gắn bó hơn và cũng từ đó mà chị ngày càng tự tin hơn khi phát biểu trước đám đông, có kinh nghiệm hơn trong công tác hội.
Thấy trình độ học vấn của mình chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên khi có thông báo chiêu sinh lớp trung cấp phụ vận (thời gian học là 8 tháng, hệ tập trung) do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào năm 2003, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng với sự động viên của chị Đoàn Thị Thanh Khỏi, Chủ tịch Hội LHPN huyện, của các anh lãnh đạo cấp ủy xã lúc bấy giờ và sự động viên, chia sẻ, tạo điều kiện của chồng nên chị đã đăng ký tham gia lớp học.
Đến năm 2004 lớp học kết thúc, đa số các học viên đều nhận được bằng tốt nghiệp, còn bản thân chị chỉ nhận được chứng nhận vì chưa tốt nghiệp cấp III, chị rất buồn và suy nghĩ, nếu đã chấp nhận tham gia công tác thì bản thân phải phấn đấu đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước, nên chị quyết định tìm trường để tiếp tục học, mặc dù lúc đó chị đã 44 tuổi.
Mỗi tuần (thứ 7 và chủ nhật), chị đi học tận ở TP. Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Do lớn tuổi, kiến thức chấp vá nên nhiều lần thi không đậu nhưng chị vẫn kiên trì và rồi chị đã đậu tốt nghiệp vào năm 2013 khi chị đã 52 tuổi.
Khi đã có bằng tốt nghiệp, do nhu cầu công tác phải biết sử dụng máy vi tính để làm báo cáo, xây dựng kế hoạch và các văn bản có liên quan, chị tiếp tục học vi tính để phục vụ công tác. Chị đã phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp các học viên trẻ. Và cuối cùng chị đã sử dụng thành thạo máy vi tính.
Chính nhờ kiên trì nhẫn nại, chịu khó của chị mà giờ đây chị đã đạt chuẩn chức danh quy định, hoạt động hội và phong trào phụ nữ của xã nhiều năm liền giữ vững đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào toàn huyện. Và chính sự kiên trì nhẫn nại đó, sự chịu thương, chịu khó, sự vén khéo của chị mà gia đình chị từ khó khăn đã vươn lên khá giàu, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, thành gia lập nghiệp ổn định.
NHƯ PHƯƠNG