Cơ hội cho lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc tự nguyện về nước
Hiện nay, tỷ lệ người lao động (NLĐ) Việt Nam, trong đó có Tiền Giang đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao. Trước tình hình đó, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã nỗ lực thống nhất thực hiện các chính sách khuyến khích NLĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước.
Lao động Tiền Giang được đào tạo tiếng Hàn trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. |
NLĐ bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao
Trong những năm qua, chương trình đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được kết quả quan trọng. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 lao động của cả nước, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình NLĐ; đồng thời đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Riêng đối với thị trường lao động Hàn Quốc, hàng năm Việt Nam đưa được khoảng hơn 10.000 lao động đi làm việc, trong đó từ năm 2007 đến nay, Tiền Giang có trên 300 lao động đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó nổi lên vấn đề NLĐ bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là NLĐ làm việc theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) tại Hàn Quốc. So với mức chung của 14 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước hiện vẫn ở mức cao.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay tỷ lệ NLĐ Việt Nam đã hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc nhưng không về nước đứng hàng đầu trong số 14 nước có NLĐ làm việc ở đất nước này. Hiên có 42.000 NLĐ Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có cả số người đi du lịch, thăm người thân rồi ở lại nhưng chiếm đa số vẫn là NLĐ đi làm việc theo Chương trình EPS.
Riêng tại Tiền Giang, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh có 129 lao động tại Hàn Quốc phải về nước. Đến nay, đã có 51 lao động về nước đúng hạn, 3 lao động nhập quốc tịch Hàn Quốc; còn lại 75 lao động chưa về nước, trong đó có 58 lao động hết hạn và sắp hết hạn trong năm 2015 là 27 lao động.
Thực hiện thủ tục khai báo Tại Hàn Quốc, lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc vào ngày muốn xuất cảnh để đăng ký làm thủ tục tự nguyện về nước hoặc có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý lao động EPS hoặc Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc để được hướng dẫn chi tiết thủ tục khai báo. Tại Việt Nam, sau khi về nước, NLĐ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì khai báo tự nguyện về nước tại UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm 1 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Đối với những lao động chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì gửi 1 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành về Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). UBND xã, phường, thị trấn nơi NLĐ có hộ khẩu thường trú có trách nhiệm tiếp nhận khai báo của NLĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc của địa phương đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính tự nguyện về nước như: Thu, lưu giữ giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân của NLĐ báo cáo Sở LĐ-TB&XH. |
Chính tình trạng NLĐ Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động mà không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động Việt Nam. Từ đó, chính phủ Hàn Quốc đã rất hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2014 và năm 2015, Hàn Quốc đã không tiếp nhận lao động mới của Việt Nam.
Miễn xử phạt NLĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước
Nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, sở, ngành liên quan, các địa phương, trong đó có Tiền Giang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp hạn chế tình trạng NLĐ không về nước như: Ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính...
Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ Việt Nam về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một biện pháp chế tài có tính răn đe đối với NLĐ.
Bởi theo quy định của Nghị định này, người làm việc ở nước ngoài nếu ở lại cư trú bất hợp pháp; bỏ trốn khỏi nơi làm việc; lôi kéo, dụ dỗ người khác ở lại nước ngoài trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng; buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài từ 2 đến 3 năm.
Về phía Hàn Quốc sẽ xử phạt đối với NLĐ ở lại cư trú bất hợp pháp với mức nộp phạt lên đến 400 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm, sau đó sẽ bị trục xuất về nước.
Với nhiều biện pháp, giáo dục, thuyết phục và xử phạt mà hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nỗ lực triển khai thực hiện bước đầu đã có tác động tích cực, khi tỷ lệ NLĐ hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 55,76% năm 2012 xuống còn 43,55% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm chưa như mong muốn. Theo nhận định của các chuyên gia về lao động, rất nhiều NLĐ ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mong muốn được hồi hương nhưng e ngại sẽ bị phạt nặng khi về nước.
Do đó, để khuyến khích lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, góp phần giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, qua đó tạo thuận lợi cho việc ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc, ngày 7-9-2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 62/NQ-CP, trong đó nêu rõ NLĐ Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1-9-2015 đến hết ngày 31-12-2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, phía Hàn Quốc cũng có những chính sách nhằm khuyến khích NLĐ. Theo đó, từ tháng 5-2015, nếu NLĐ nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện hồi hương sẽ không bị giam giữ, không bị phạt tiền và có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc sau 2 năm kể từ ngày tự nguyện về nước; đồng thời còn được nhận các hỗ trợ về giới thiệu việc làm, lập nghiệp.
Theo ông Trần Văn Sê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, đa số NLĐ khi đi xuất khẩu lao động đều mong muốn đổi đời nên họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, bất chấp rủi ro ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Trước đây, nếu NLĐ không về nước đúng hạn sẽ bị xử phạt từ 80 -100 triệu đồng. Quy định này đã làm cho NLĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc cảm thấy e ngại khi về nước, vì sợ bị phạt. Do đó mà tỷ lệ NLĐ bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc tự nguyện về nước không giảm. Tuy nhiên, với các quy định của Nghị quyết 62/NQ-CP của Chính phủ hiện nay sẽ là cơ hội tốt nhất để NLĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện trở về nước.
Ông Trần Văn Sê cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan, tỉnh Tiền Giang đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tư vấn, vận động gia đình có NLĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc cam kết động viên người thân về nước đúng hạn; đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về các chính sách ưu đãi của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam đối với NLĐ hết hạn hợp đồng về nước cũng như các nguy cơ, rủi ro mà NLĐ sẽ gặp phải khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
HỮU NGHỊ