Thứ Hai, 26/10/2015, 10:34 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Chủ động ứng phó với mưa bão, triều cường

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vườn cây ăn trái tại các xã phía Nam Quốc lộ 1 trong mùa mưa bão, triều cường, huyện Cai Lậy đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi bảo đảm tiêu thoát nước, khẩn trương khắc phục các đoạn đê sạt lở và vận động người dân gia cố các tuyến đê bao.

Tuyến đê bao cặp sông Trà Tân thuộc địa bàn ấp 11, xã Long Trung đang được khẩn trương khắc phục.
Tuyến đê bao cặp sông Trà Tân thuộc địa bàn ấp 11, xã Long Trung đang được khẩn trương khắc phục.

Được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, đến đầu tháng 10-2015, 4 điểm sạt lở nghiêm trọng dọc sông Trà Tân trên địa bàn xã Long Trung đã được khẩn trương khắc phục, bảo đảm an toàn diện tích vườn cây ăn trái của người dân.

Theo ông Trần Văn Thiền, Trưởng ấp 11 (xã Long Trung), ấp có 140 ha đất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là sầu riêng. Tháng 6-2015, tại khu vực ấp 11, 1 đoạn đê dài 25 m đã bị sạt lở sâu vào hơn 4 m, mất 1 đoạn đường dal khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân qua khu vực này gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hiện tại, nhà vườn đang tập trung xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ nên hệ thống đê bao được gia cố kịp thời giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Để bảo vệ 872 ha vườn cây ăn trái, những năm qua, xã Hiệp Đức tập trung kinh phí hoàn thiện các công trình thủy lợi phòng, chống lũ, triều cường. Thuận lợi cơ bản là ngoài hệ thống đập bán kiên cố và trên 4 km đê bao, địa bàn xã có 2 công trình đập thép ngăn lũ do tỉnh quản lý, bảo đảm an toàn diện tích vườn cây ăn trái của xã Hiệp Đức và một số xã lân cận.

Riêng khu vực nằm ngoài đập thép cặp sông Cái Lá và sông Năm Thôn, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân gia cố hàng năm, bảo đảm ứng phó kịp thời, giữ an toàn nhà ở và vườn cây ăn trái của hộ dân trong khu vực.

Năm 2014, tại ấp Hiệp Phú, nhiều đoạn đê bị nước lũ và triều cường đe dọa đã được tôn cao tạm thời bằng bao cát. Sau khi lũ rút, bao phân hủy, cát bị rửa trôi nên trước mùa mưa lũ, triều cường năm nay, người dân đã chủ động đóng góp kinh phí, ngày công lao động gia cố 1,5 km đê bao xuống cấp.

Canh tác 10 công vườn sầu riêng và chanh bông tím, ông Phan Văn Hoằng, ở ấp Hiệp Phú, phấn khởi: “Kinh tế vườn tạo thu nhập chính nên khi chính quyền xã vận động, các hộ dân trong khu vực đều tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức để gia cố tuyến đê. Chủ động ứng phó, ai cũng thấy an tâm hơn trước mưa bão, triều cường”.

Huyện Cai Lậy hiện có 491 km đê bao, 192 cống đập ngăn lũ và bảo đảm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, mực nước lũ năm nay khá thấp nên không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân các xã phía Bắc Quốc lộ 1, tuy nhiên tình hình thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là đợt triều cường cuối tháng 9 âm lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Cai Lậy thi công 20 công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 7 công trình, 10 công trình đạt tiến độ thi công từ 40% - 95% khối lượng, còn 3 công trình đang triển khai nguồn vốn đầu tư.

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện hiện có 27 điểm sạt lở tại các xã: Long Trung, Tam Bình, Mỹ Long, Hội Xuân và Tân Phong. Từ nguồn ngân sách địa phương và tỉnh hỗ trợ, huyện đã đầu tư 6,4 tỷ đồng khắc phục 22 điểm sạt lở nghiêm trọng.

Các điểm còn lại, UBND các xã chủ động phương án gia cố, khắc phục. Ngoài tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các xã cũng đã nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động nâng cấp, gia cố cống đập, đê bao đã xuống cấp, chuẩn bị các phương tiện cần thiết để đối phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ vườn cây ăn trái, bảo đảm sinh hoạt và ổn định sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. 

TRƯỜNG GIANG

.
.
.