Long An - niềm vui đến sớm
Dù chỉ được chọn là xã diện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng với sự nỗ lực cao, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Long An (huyện Châu Thành) đã đạt chuẩn NTM trước thời hạn.
Hoa màu là một trong những lĩnh vực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của xã. |
“Trước đây, đường nông thôn khá hẹp, giờ được mở rộng, trải dal, trải nhựa sạch đẹp, kết hợp gắn đèn bảo vệ an ninh trật tự sáng choang, ô tô có thể vào tận xóm. Đời sống người dân cũng được nâng lên một bước dù đầu ra nông sản vẫn còn khó khăn. Chỉ qua 4 năm xây dựng NTM mà bộ mặt của xã đã thay đổi thế này, chúng tôi vui lắm!” - ông Nguyễn Công Thành, người dân ở ấp Long Tường bày tỏ.
Dù chỉ được chọn làm xã diện chỉ đạo xây dựng NTM vào năm 2011 nhưng Long An đã tận dụng, khai thác lợi thế của xã ven TP. Mỹ Tho, khắc phục khó khăn, chọn bước đi hợp lý, tạo bước đột phát trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch UBND xã cho biết, khi triển khai xây dựng NTM, Long An chỉ có 4 tiêu chí đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí, những tiêu chí chưa đạt phần lớn tập trung ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Việc quy hoạch chưa được thực hiện nên sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
Trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nên việc thực hiện tiêu chí môi trường rất khó hoàn thành và bền vững… Trong hoàn cảnh đó, với quyết tâm cao, cùng sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, xã đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và cùng chung tay, chung sức tham gia xây dựng NTM.
Cùng với đó, sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi thực hiện những tiêu chí chưa đạt; đồng thời thường xuyên rà soát, nâng chất các tiêu chí đã đạt.
Trước hết, xã xác định ưu tiên thực hiện những tiêu chí cần ít vốn, các tiêu chí liên quan đến nâng cao đời sống người dân như thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường...
Hiện thực hóa các yêu cầu này, công tác quy hoạch được xem là chìa khóa giúp bố trí lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách hợp lý với các lĩnh vực chủ yếu gồm rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi. Theo đó, xã đẩy mạnh vận động hộ dân chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi không hiệu quả; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác.
Một mặt, xã tiến hành củng cố, kiện toàn, nâng chất 2 tổ sản xuất rau an toàn, tổ hợp tác chăn nuôi cút Nguyễn Hồ; mặt khác cùng các ngành chức năng xây dựng các mô hình sản xuất trên địa bàn như sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi bò, chăn nuôi cút, trồng bưởi da xanh, trồng nấm bào ngư, ương cá cảnh… Và các mô hình sản xuất hiệu quả được
phổ biến nhân rộng trên địa bàn.
Là xã ven đô thị loại 2 thuộc tỉnh nên hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn khá sôi động. Từ lợi thế này, Long An đã hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ gắn với xây dựng NTM bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhân dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê, đến nay toàn xã có 36 doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trên các lĩnh vực như cưa xẻ gỗ, sản xuất đồ gỗ, xay xát gạo, sản xuất sản phẩm bàng buông, sửa chữa cơ khí, vật tư nông nghiệp, trạm dừng chân du lịch xanh, vật liệu xây dựng và 17 cơ sở ngành nghề khác (tăng 11 cơ sở so với năm 2011).
Nếu năm 2011 xã có 285 hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh thì đến năm 2015 đã tăng lên 440 hộ, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 600 lao động.
Một vấn đề quan tâm nữa của xã là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2011, toàn xã có 162 hộ nghèo, chiếm 6,5%. Thời gian qua, xã đã phát huy các nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ngân hàng chính sách vào sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, ứng vốn, thức ăn, vật tư nông nghiệp… cho hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài ra, qua bảo lãnh tín chấp từ các hội, đoàn, các hội viên, đoàn viên đã vay vốn sản xuất, kinh doanh, buôn bán… với tổng số tiền 23 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ sản xuất - kinh doanh tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập gia đình, vươn lên thoát nghèo, khá, giàu.
Xã còn tranh thủ các nguồn vốn từ các ngành, các cấp; tăng cường huy động các nguồn vốn trong xã hội từ doanh nghiệp, người dân tham gia qua hiến đất, vật kiến trúc, góp công, góp vốn vào đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng cơ sở.
Qua hơn 4 năm triển khai chương trình, trên 133,5 tỷ đồng được sử dụng để xây dựng NTM, trong đó vốn góp từ nhân dân 54,1 tỷ đồng, doanh nghiệp 6,7 tỷ đồng đã cho thấy mức độ hưởng ứng, tham gia của người dân, doanh nghiệp vào chương trình. Và phần lớn kinh phí trong số đó là đầu tư, nâng cấp cho cơ sở hạ tầng. Qua đó, hạ tầng cơ sở có bước chuyển biến rõ rệt.
Theo thống kê, hiện nay xã có 100% đường liên xã, trục xã trải nhựa theo chuẩn quy định; tỷ lệ đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa, các đường ngõ xóm, nội đồng cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa theo quy định đều vượt so với yêu cầu.
Hiện xã có 2 trong số 3 trường học được nâng cấp, xây mới đạt chuẩn Quốc gia; Trạm Y tế được đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn quy định. Nếu như năm 2011, cơ sở vật chất văn hóa đạt tỷ lệ khá thấp thì giờ đây hệ thống này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, nhà ở của dân được nâng lên đáng kể, đến nay xã không còn nhà tạm, dột nát.
“Qua 4 năm xây dựng NTM, chương trình đã tạo được sự đồng thuận rộng rãi của người dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể. Điều này thể hiện rõ là đến nay thu nhập người dân tăng gấp đôi so với khi triển khai chương trình, đạt trên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4% (giảm 2,5% so với năm 2011); nhà ở dân cư đạt chuẩn trên 93,8%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 93,6%” - ông Lập phấn khởi cho biết.
NGÔ VĂN