Niềm vui của ngư dân khi khu neo đậu, trú bão được khởi công
“Đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có gió, bão xảy ra; đồng thời góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản” - Đó là một trong những ý nghĩa mà dự án khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng vừa được khởi công vào tháng 9-2015 tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông.
Cửa vào Cảng cá Vàm Láng cạn và hẹp khiến nhiều tàu thuyền gặp khó. |
Tiền Giang hiện có khoảng 1.184 tàu cá, với tổng công suất 344.993 CV. Hàng năm, sản lượng thủy sản về cảng cá của tỉnh từ 50 - 70 ngàn tấn, lượng tàu thuyền cập cảng cá từ 16 - 21 ngàn lượt. Với số lượng tàu thuyền như vậy đòi hỏi phải đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú khi bão lớn, cũng như nâng cấp các cảng cá trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, UBND tỉnh đã chủ trương xây dựng dự án khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng. Ngày 25-9-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT, đơn vị chủ đầu tư) đã tiến hành khởi công dự án này.
Nghe tin, ngư dân ở huyện Gò Công Đông nói riêng và trong tỉnh nói chung đều vui mừng, phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Ru, ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông có 10 chiếc tàu công suất từ 250 - 400CV và đa số đánh bắt xa bờ. Ông Ru cho biết, khu neo đậu, tránh trú bão ở Vàm Láng cạn, hẹp và sức chứa cũng không được bao nhiêu nên khi bão lớn thì ngư dân có tàu thuyền di chuyển vào đây đều rất lo lắng.
Ngoài ra, Cảng cá Vàm Láng hiện nay cũng đã xuống cấp, việc vận chuyển cá từ tàu lên bờ cảng và từ bờ cảng vận chuyển nhu yếu phẩm xuống tàu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi khu neo đậu, tránh trú bão này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho ngư dân trong việc bảo vệ tàu khi có bão đổ bộ vào vùng biển Gò Công.
Ngoài ra, khi bão to, chủ tàu cũng có thể đưa người xuống tàu để tránh trú trong thời gian bão diễn ra. “Mấy năm trở lại đây, bà con ngư dân đầu tư tàu lớn để vươn khơi nhưng hiện chưa có nơi thực sự an toàn để neo đậu tàu khi có bão lớn. Nay khu neo đậu này được khởi công và sẽ hoàn thành trong thời gian tới là tín hiệu đáng mừng cho bà con ngư dân chúng tôi” - ông Ru phấn khởi nói.
Khu neo đậu tránh trú bão trước đây đã bị khô cạn khi thủy triều xuống. |
Dự án khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng có diện tích khoảng 40 ha. Đây là dự án thuộc nhóm B với các hạng mục: Nạo vét tuyến luồng và khu nước neo đậu dài 2.400 m, rộng 32 m; xây dựng bờ kè kết hợp khu neo đậu tàu cá có công suất từ 90 - 400 CV, với tổng chiều dài 765 m bằng tường đứng bê tông cốt thép trên nền cọc bê tông cốt thép ứng suất trước, dầm sàn bê tông cốt thép; xây dựng tuyến đường phục vụ khu trú bão và bến cá rộng 10 m, dài 1.326 m; lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, báo hiệu phao luồng và trang bị các thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn cho khu neo đậu tránh trú bão…
Tổng mức vốn đầu tư xây dựng là 157,525 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách của tỉnh. Dự án được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2015 - 2019) do Công ty TNHH Thành Hồng Phát thi công chính.
Theo Sở NN&PTNT, việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng là kịp thời và cần thiết, nó phù hợp với yêu cầu, xu hướng phát triển kinh tế biển và nghề cá của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Chí Trung cho biết: Việc xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp với bến cá Vàm Láng giúp địa phương chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời đây là nơi trú ẩn an toàn cho trên 300 phương tiện đánh bắt, tránh thiệt hại về người và tài sản của ngư dân trong mùa mưa bão, giúp ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt.
Giải quyết tình trạng quá tải của cảng cá Vàm Láng, thuận lợi cho ghe, tàu cập bến, lên xuống hàng hóa, khai thác thế mạnh cả giao thông thủy, bộ; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với giải quyết lao động có việc làm. Liên kết phát triển kinh tế với các vùng lân cận như: Cần Giờ, Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, TP. Hồ Chí Minh… Từng bước xây dựng thị trấn Vàm Láng trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Việc khởi công dự án này còn góp phần phát triển kinh tế biển, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; là cơ sở để triển khai các hoạt động khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hướng dẫn ngư trường; tạo lòng tin cho ngư dân yên tâm đi đánh bắt xa bờ; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đánh bắt có chỗ trao đổi hàng hóa, cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão và kết hợp với bến cá Vàm Láng cho ngư dân sẽ góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản cũng như nhu cầu neo đậu, tránh trú bão của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
SĨ NGUYÊN