Thứ Tư, 14/10/2015, 09:58 (GMT+7)
.

Phát huy hiệu quả từ Chương trình "1 tăng, 4 giảm"

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua 6 năm triển khai thực hiện Chương trình “1 tăng, 4 giảm” đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, giảm ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Có được kết quả này là do các cấp, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác “Dân vận khéo” gắn với Chương trình “1 tăng, 4 giảm”. Đây là tín hiệu đáng phấn khởi để chương trình tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể  thực hiện tốt  Chương trình “1 tăng, 4 giảm” giai đoạn 2009 - 2015.
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể thực hiện tốt Chương trình “1 tăng, 4 giảm” giai đoạn 2009 - 2015.

Chương trình “1 tăng, 4 giảm” gồm: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; giảm nghèo bền vững; giảm ô nhiễm môi trường và dịch bệnh; giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm vi phạm Luật Giao thông tiến tới kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông.

Xác định rõ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình “1 tăng, 4 giảm” là một trong những giải pháp góp phần phát triển bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn minh đô thị, ngay từ khi triển khai Chương trình “1 tăng, 4 giảm” (năm 2009), các cấp ủy đã đưa nội dung chương trình vào Nghị quyết nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban  Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn hệ thống trực thuộc triển khai thực hiện; cấp cơ sở tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, tập trung thực hiện Chương trình “1 tăng, 4 giảm” có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đồng thời xây dựng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả…

Thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, chương trình đem lại hiệu quả cao như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Đoạn đường không rác”, có 100/173 xã (phường, thị trấn) tham gia, với tổng chiều dài các tuyến đường là 95.430 m; mô hình “Tổ Phụ nữ với nước sạch và vệ sinh môi trường” cũng đã đi vào đời sống nhân dân. Đoàn Thanh niên với Chương trình “Bảo vệ dòng sông quê hương”, đã khai thông trên 200 km kinh mương nội đồng…

Thực hiện mục tiêu “Giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm vi phạm Luật Giao thông, tiến tới kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông”, đã vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban An toàn giao thông phát động và xây dựng các mô hình “Cơ quan với văn hóa giao thông” (do Liên đoàn Lao động phát động)…, góp phần làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: Số vụ, số người chết và số người bị thương…

Đặc biệt, từ khi Chương trình “1 tăng, 4 giảm” triển khai thực hiện đã góp phần làm giảm hộ nghèo qua từng năm. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2008 toàn tỉnh còn 37.820 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,3% tổng số hộ), đến năm 2014 giảm còn 4,98% do thông qua Chương trình “1 tăng, 4 giảm” bà con đã được hỗ trợ vốn, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất - kinh doanh, dạy nghề, tạo việc làm, tặng nhà tình thương và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự vượt khó của bà con…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định. Về vấn đề này, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, một số sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và cơ sở tuy có xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động nhưng chưa chủ động theo dõi, đôn đốc hệ thống trực thuộc quan tâm thực hiện; một số đoàn thể chưa phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nội dung, phương thức tuyên truyền còn dàn trải, thiếu chiều sâu.

Mặt khác, việc thực hiện các nội dung “1 tăng, 4 giảm” chưa đồng bộ, vì thực tế tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, môi trường sống ở các khu công nghiệp còn xảy ra ô nhiễm, nhiều gia đình văn hóa nhưng làm lễ tang kéo dài 4 - 5 ngày… cần có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh thì cho rằng, vẫn còn tình trạng các hộ dân vay vốn từ Chương trình “1 tăng, 4 giảm” nhưng chưa phát huy hiệu quả; việc bình xét các danh hiệu văn hóa hay hộ nghèo còn nặng về tình cảm; công tác quản lý về bảo vệ môi trường nhiều nơi còn “bỏ ngỏ”…

Nhìn lại chặng đường thực hiện Chương trình “1 tăng, 4 giảm” trong 6 năm qua, tuy chưa thành công toàn diện nhưng nhiều địa phương, cơ sở đã có rất nhiều đổi thay theo hướng tiến bộ từ diện mạo cho đến đời sống người dân, là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, các địa phương và cơ sở.

Tin tưởng rằng, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; những giải pháp mà Ban Dân vận Tỉnh ủy đề ra; sự tích cực phối hợp giữa các sở, ban, ngành hữu quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Chương trình “1 tăng, 4 giảm” sẽ sớm khắc phục những hạn chế, để chương trình thật sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.

HOÀI THU

.
.
.