Tình trạng bạo lực học đường: Thực trạng và giải pháp ngăn chặn
Vừa qua, 1 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho bị bạn đánh tử vong tại lớp, lại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ).
BÁO ĐỘNG
Vào năm 2012, ngành GD-ĐT 4 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã từng ngồi lại nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp để ngăn chặn tình trạng BLHĐ. Từ hội thảo này, nhiều vấn đề về BLHĐ được đem ra mổ xẻ rất hữu ích.
Theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, BLHĐ tồn tại ở hầu hết các trường học với hình thức ngày càng đa dạng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước đây xảy ra hiềm khích thì thường chỉ đánh nhau tay đôi rồi bỏ qua hoặc “xin đểu”, thì nay xuất hiện hiện tượng đánh nhau “hội đồng”, có khi học sinh quay cảnh đánh nhau rồi tung lên mạng, thậm chí sử dụng hung khí đánh nhau trong trường học… Thống kê trong năm học 2011 - 2012, tỉnh Long An xảy ra 417 vụ học sinh đánh nhau với 876 học sinh tham gia, trong đó có 292 vụ đánh nhau trong trường học…
Tại Tiền Giang, lãnh đạo ngành GĐ-ĐT cũng đã thừa nhận tình trạng BLHĐ đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh và mức độ, hình thức bạo lực ngày một nghiêm trọng, phức tạp hơn. Thống kê chưa đầy đủ (chỉ 2/3 trường THPT và Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành báo cáo), từ tháng 8-2010 đến tháng 10-2012 đã xảy ra 425 vụ BLHĐ, trong đó có một số vụ dẫn đến chết người.
Hiện nay, BLHĐ diễn ra ở tất cả các bậc học, thường tập trung ở giai đoạn cuối cấp THCS và đầu cấp của THPT. BLHĐ đang là mối lo của các bậc phụ huynh, ngành GD-ĐT và toàn xã hội vì nó gây ra những tổn hại to lớn về thể chất, tinh thần, tương lai của học sinh và tác động xấu đến mối quan hệ thầy - trò, bạn bè.
CHƯA CHÚ TRỌNG “DẠY NGƯỜI”
Đâu là nguyên nhân của BLHĐ? Nhiều ý kiến cho rằng có 4 nguyên nhân dẫn đến BLHĐ là: Gia đình không hạnh phúc, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, chương trình học tập ở trường học chưa hợp lý và bản thân trẻ vị thành niên chưa làm chủ được cảm xúc. Trong đó, các đại biểu đều thống nhất ý kiến rằng trường học hiện nay chỉ chú trọng việc trang bị kiến thức chứ chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…
Ông Nguyễn Văn Hoàng Hạnh, Phòng GD-ĐT huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Nhà trường tuy có quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa cho học sinh nhưng thực tế kết quả chưa như mong muốn. Nhà trường nói chung, bản thân mỗi giáo viên nói riêng tập trung việc dạy chữ, truyền thụ học vấn nhằm làm sao giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, nâng tỷ lệ học sinh khá, giỏi chứ chưa thật sự đầu tư cho việc định hướng, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…”.
Thạc sĩ Bùi Văn Lượm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục tỉnh Vĩnh Long thì khẳng định: “Nhà trường chưa thân thiện là một nguyên nhân quan trọng. Trường học còn nặng về giáo dục kiến thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống hoặc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em còn xơ cứng, hình thức, thiếu đồng bộ, ít thuyết phục và chưa hấp dẫn, mặc dù trong chương trình học chính khóa của các em có môn học Giáo dục công dân; các tổ chức Đoàn, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường học chưa vào cuộc theo đúng vai trò, chức năng là “người bạn của thanh, thiếu niên”… Từ đó đã làm hạn chế việc hình thành nhân cách tốt đẹp của học sinh”.
Khi ở trường, học sinh chưa được trang bị một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản như: Kỹ năng nhận thức, kỹ năng kiên định, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn… Cho nên, khi có mâu thuẫn xảy ra, một số em đã sử dụng bạo lực để giải quyết.
Làm gì để ngăn chặn BLHĐ là câu hỏi đặt ra hết sức. Nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự kết hợp chăm lo và giáo dục từ 3 phía: Gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, giáo dục và chăm lo như thế nào để đạt hiệu quả còn là câu hỏi còn “bỏ ngỏ”?.
TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH
Hiện nay, hình thức xử lý đối với những học sinh vi phạm thường là áp dụng biện pháp răn đe, xử phạt như khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi học có thời hạn…
Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp lý giải “Hiện nay, số vụ BLHĐ tuy có tăng nhưng số học sinh vi phạm ở mức thấp - khoảng 1 - 2‰, tức 1.000 học sinh mới có 1 hoặc 2 em vi phạm. Tại sao chúng ta xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà không sớm phát hiện học sinh “cá biệt”, khiếm khuyết để chia sẻ, động viên, giáo dục, uốn nắn? Một thực tế là, bản thân không ít giáo viên thường chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, ưu ái những học sinh học khá, giỏi, còn những học sinh học kém bị xem là “cá biệt” và bị xa lánh, ác cảm. Điều này đã đào sâu thêm tâm lý mặc cảm, tự ti và đẩy các em đến chỗ sử dụng bạo lực để khẳng định bản thân”.
Đồng quan điểm với Thạc sĩ Thu Hà, ông Tăng Thành Nghiệp, phụ huynh học sinh Trường THPT Cái Bè chia sẻ: “Việc đưa học sinh vi phạm lỗi nhỏ ra buổi sinh hoạt dưới cờ để phê bình là không phù hợp, vì làm như vậy sẽ tăng thêm bức xúc và mặc cảm, khiến các em “quậy” hơn. Theo tôi, thực tế hiện nay khó có thể tìm ra được giải pháp tối ưu chung để ngăn chặn BLHĐ. Có điều, để giảm thiểu tình trạng này thì việc đầu tư giáo dục đạo đức, trang bị kỹ năng sống cho học sinh là việc làm thiết thực nhất của các trường. Biện pháp trừng phạt chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi nỗ lực giáo dục không thành”.
NGÂN HÀ