Tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp: Cung - cầu chưa gặp nhau
Người lao động (NLĐ) thì đi tìm việc rất nhiều và không ít doanh nghiệp (DN) cứ “rao” tuyển lao động, nhưng tình trạng thiếu lao động, thiếu việc làm vẫn diễn ra. Điều này cho thấy, cung - cầu lao động vẫn chưa gặp nhau. Đây là một thực tế tồn tại từ lâu trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa có lời giải.
KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG
Tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông ở các ngành nghề như: May mặc, giày da, may túi xách, chế biến nông sản, thủy sản... ở các DN tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trong tỉnh đang diễn ra khá phổ biến.
Một trong những cầu nối của lao động và nhà tuyển dụng là sàn giao dịch việc làm (SGDVL). Nhưng ngay tại các SGDVL này cũng biểu hiện rõ sự thiếu tương đồng trong cung - cầu lao động. Do cung không gặp cầu nên cả DN và NLĐ đều thường “trắng tay” sau khi đến với các SGDVL.
Hiện các DN tại các KCN, CCN trong tỉnh đang cần một lượng lớn lao động nhưng vẫn không có nguồn để tuyển. |
Thực tế tại 16 phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh tổ chức, có 45 lượt DN, đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp, với tổng nhu cầu tuyển dụng 3.621 lao động. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, với các ngành nghề chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, giày da, túi xách...
Số NLĐ tham gia trực tiếp 16 phiên giao dịch việc làm là khoảng 950 lao động, nhưng số NLĐ được tuyển dụng trực tiếp chỉ có 153 người. Như vậy, tại 1 phiên giao dịch việc làm chưa có đến 10 người được tuyển dụng. Tổng số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm chỉ chiếm khoảng 4,22% so với tổng số lao động mà DN cần tuyển dụng.
Theo TTGTVL tỉnh, trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động (trong đó lao động phổ thông chiếm 80%) từ hàng chục DN trong và ngoài tỉnh, nhưng trung tâm chỉ mới đáp ứng được từ 30 - 40% nhu cầu tuyển dụng.
Số lao động được tuyển tại các SGDVL chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN. Do đó, các DN cũng đã tự “tung” ra rất nhiều hình thức tuyển lao động như: Thông báo tuyển dụng lao động ở các trường đào tạo nghề, đại học; đăng bảng tuyển dụng ngay trước cổng công ty hay trên website của công ty; xuống tận các vùng nông thôn để tuyển dụng; “rao” tuyển trên báo, đài...
Bên cạnh đó, không ít DN đã phải hạ tiêu chuẩn đầu vào từ tốt nghiệp THPT xuống THCS hoặc có doanh nghiệp tuyển lao động không cần trình độ, tay nghề; tăng độ tuổi tuyển dụng lên 35 - 45 tuổi ở một số ngành. Cùng với đó là điều kiện làm việc được một số DN đưa ra khá hấp dẫn như: Thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng, hay cam kết có phụ cấp đi lại, có nhà cho công nhân ở xa... nhưng các DN vẫn khó tìm đủ lao động.
Bà Hồ Thị Kim Hồng, phụ trách Phòng Nhân sự của Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang (KCN Tân Hương, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu) cho biết: Trong năm 2015, công ty có nhu cầu tuyển thêm 1.000 lao động. Qua nhiều kênh tuyển dụng, đến nay đã gần hết năm nhưng công ty chỉ tuyển được 1/3 lao động cần tuyển dụng. Sang năm 2016, do mở rộng dây chuyền sản xuất nên công ty dự kiến sẽ tuyển thêm 5.000 lao động, nhưng cũng không biết tìm đâu ra đủ nguồn lao động này.
Còn Công ty TNHH Điện cơ Fang Zheng Việt Nam (KCN Long Giang, huyện Tân Phước), 100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất mô tơ điện, bàn đạp máy may xuất khẩu, có nhu cầu tuyển khoảng 100 lao động, trong đó có lao động phổ thông và cả có tay nghề về cơ khí, chế tạo, sửa chữa các thiết bị, máy móc... Mặc dù công ty đăng tuyển dụng ở nhiều kênh, từ trang web của công ty cho đến thông báo tuyển dụng qua báo, đài nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa thể tuyển đủ số lao động cần tuyển.
NGHỊCH LÝ CUNG - CẦU LAO ĐỘNG
Tình trạng NLĐ không tìm được việc, DN không tìm được lao động, cung và cầu không gặp nhau là do nhiều nguyên nhân. NLĐ muốn tìm được việc làm có điều kiện tốt, thu nhập cao, nhưng ngược lại DN luôn tìm mọi cách để thuê lao động với chi phí thấp nhất.
Song, điều quan trọng hơn là chất lượng của nguồn lao động hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của DN về mặt thể chất, kỹ năng nghề. Hầu hết các DN phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng, mà thực tế cho thấy không phải DN nào cũng có điều kiện đào tạo lại, nên muốn tuyển người làm việc được ngay lại không tuyển được.
Bà Hồ Thị Kim Hồng, phụ trách Phòng Nhân sự của Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang cho rằng, hiện đa số người lao động khi được công ty nhận vào làm đều phải trải qua khóa đào tạo lại mới thích ứng được yêu cầu công việc. Bởi hạn chế lớn nhất của người lao động hiện nay chính là trình độ, kỹ năng nghề yếu, ít kinh nghiệm thực tế hoặc công việc thực hành không sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, khó thích ứng với các loại máy móc hiện đại và còn lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.
Còn bà Võ Thị Mai Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Royal Foods (KCN Mỹ Tho) cho biết, dù các khâu sản xuất của công ty không đòi hỏi người lao động phải có tay nghề, kỹ thuật cao nhưng tất cả số lao động được công ty tuyển dụng đều phải qua đào tạo từ 1 tuần đến 1 tháng theo phương thức “cầm tay chỉ việc” thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Mặc dù tại Tiền Giang có khá nhiều trường đào tạo nghề nhưng tìm nguồn lao động thông qua các trường đào tạo nghề này hay ngay cả Trường Đại học Tiền Giang cũng là điều không thể. Bởi chỉ tiêu đào tạo hàng năm ở các trường còn quá ít so với nhu cầu thực tế mà các doanh nghiệp đang cần. Đó là chưa nói đến sự “nghịch lý” trong việc đào tạo nghề và nhu cầu việc làm thực tế.
Chẳng hạn Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang, hàng năm trung bình chỉ có khoảng 500 học viên ra trường, trong đó ngành may chỉ có khoảng vài chục học viên ra trường. Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang cho biết: “Số học viên ngành may đào tạo đã ít mà còn không phù hợp với nhu cầu của DN. Bởi nhu cầu các DN là cần công nhân may ráp theo chuyền, còn trường thì lại đào tạo học viên may hoàn thành 1 sản phẩm áo hoặc quần”.
Người lao động được các nhà tuyển dụng phỏng vấn và tư vấn việc làm tại Ngày hội Việc làm do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức. |
Còn Trường Đại học Tiền Giang hàng năm có khoảng 500 học viên hệ trung cấp chuyên nghiệp ra trường, trong đó có 90% học viên đều tìm được việc làm. Tuy nhiên, theo ông Ngô Tấn Lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang từng nhận định, tỉnh Tiền Giang có đào tạo gấp 5 lần hiện nay cũng chưa thể lấp vào chỗ trống nhân lực cần phải qua đào tạo.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và cung cấp đủ lao động cho các DN, thời gian tới cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, quan trọng là phải đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội, hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Cần rà soát, quy hoạch hệ thống các trường đào tạo nghề, phát triển mạng lưới giới thiệu việc làm xuống tận cơ sở phường, xã. Ngoài ra, các DN khi đầu tư các dự án lớn phải báo cáo, dự kiến nhu cầu nhân lực và có kế hoạch chuẩn bị. Mặt khác, cần chú trọng cải cách tiền lương, tiền công theo định hướng thị trường, gắn với năng suất lao động.
Mất cân đối cung - cầu lao động là câu chuyện dài và không mới, nhưng đây không phải là câu chuyện của riêng bất cứ ngành hay DN nào. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này cần có sự chung tay góp sức, sự liên kết của cơ sở đào tạo, DN và toàn xã hội. Có như vậy, cung - cầu lao động mới có tiếng nói chung, mới giảm được tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất và ổn định cuộc sống cho người lao động.
PHƯƠNG NGHI
120 suất làm việc tại Nhật Bản Theo TS-BS Nguyễn Hùng Vĩ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, nhà trường vừa liên hệ tìm được 120 chỉ tiêu việc làm Chuyên viên chăm sóc người cao tuổi tại Nhật Bản, do Công ty Ánh Thái Dương (ADC) tư vấn xét tuyển. Đối tượng là các sinh viên tốt nghiệp của trường có nhu cầu làm việc tại Nhật, với thời hạn hợp đồng 5 năm, thu nhập trung bình 28 triệu đồng/tháng và được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định của Chính phủ Nhật Bản. Các sinh viên có nhu cầu đến tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vào sáng 7-10-2015 để tìm hiểu và tham gia sơ tuyển. DS |