Thứ Hai, 30/11/2015, 09:30 (GMT+7)
.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò

Những năm gần đây, nông dân huyện Gò Công Tây phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò. Hàng năm, huyện có hàng trăm gia đình thoát nghèo nhờ nuôi bò. Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của huyện cũng đã chọn con bò là vật nuôi chủ lực, giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, tổng đàn bò trong huyện đạt trên 14.000 con. Nhiều ấp có 70 - 80% hộ dân nuôi bò. Mỗi hộ nuôi phổ biến từ 3 - 5 con bò, có hộ nuôi từ 8 - 10 con. Một số trang trại nhỏ chăn nuôi bò cũng đã xuất hiện, bình quân có từ 10 - 20 con bò.

Ông Nguyễn Thanh Tròn, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị chăm sóc đàn bò.
Ông Nguyễn Thanh Tròn, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị chăm sóc đàn bò.

Anh Nguyễn Văn Việt ở ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì, đang nuôi 4 con bò sinh sản. Anh Việt cho biết: “Từ 1 con bò mẹ  mua với giá 17 triệu đồng, nhờ chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh kỹ lưỡng, bò nuôi phát triển tốt nên tôi tăng đàn. Nếu bò mẹ đẻ ra bê cái thì để nuôi, còn đẻ bê đực thì bán. Với cách làm này, 5 năm qua tôi thu được 200 triệu đồng từ tiền bán bò”.

Cũng nhờ chăn nuôi bò mà gia đình ông Trần Văn Cảnh, ngụ ấp Thới An A, xã Long Vĩnh đã khấm khá lên. Ông Cảnh cho biết:

“Tôi nuôi bò sữa, nuôi trong vòng 2 năm bò bắt đầu cho sữa, nhưng nuôi bò sữa có nghiêm ngặt hơn nuôi bò thịt, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ về chế độ dinh dưỡng và thời gian cho bò ăn hàng ngày. Để đảm bảo chi phí đầu vào và mức lãi, tôi phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp gồm xác bia, bã đậu và thức ăn chăn nuôi. Mỗi ngày, trung bình 1 con bò sữa ăn từ 10 - 12 kg thức ăn hỗn hợp. Ngoài ra, còn kết hợp cho bò ăn thêm cỏ tươi. Nhờ vậy, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, chi tiêu hàng ngày cũng thoải mái hơn”.

Hiệu quả kinh tế từ nghề chăn nuôi bò ngày càng lan rộng, những năm qua các đoàn thể địa phương đã xây dựng các dự án nhỏ chăn nuôi, hỗ trợ vốn cho hội viên vay phát triển đàn bò. Ông Nguyễn Thanh Tròn ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị cho biết:

“Gia đình tôi trước đây nuôi 1 con bò đực. Sau khi nhận được vốn vay của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã, tôi mua 1 con bò cái sinh sản giống tốt. Số tiền còn dư thì đầu tư xây hầm ủ khí biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến khi con bò đực lớn, tôi đem bán cộng thêm số tiền dành dụm mua thêm 2 con bò thịt vỗ béo. Hiện con bò cái của dự án đã sinh sản 1 bê con. Tôi quyết tâm tăng đàn trong thời gian tới”.

Cùng với các đoàn thể, 3 năm qua từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ huyện cũng đã hỗ trợ cho trên 120 hộ nghèo mượn vốn để nuôi bò không tính lãi, huyện đã thực hiện được 4 dự án nuôi bò ở các xã: Thành Công, Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Thạnh Trị... 

Ông Hứa Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Qua 3 năm hỗ trợ vốn, đến nay có khoảng 50% hộ đã thoát nghèo từ dự án chăn nuôi bò. Thời gian tới nguồn vốn sẽ tiếp tục xoay vòng đến các xã khác trong huyện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây nhiều mô hình, tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò của các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội CCB huyện... cũng ra đời. Đây là nơi để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn lẫn nhau để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Lộc, Tổ viên THT chăn nuôi bò xã Thạnh Nhựt chia sẻ: “Thấy được lợi nhuận từ việc nuôi bò, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để nuôi. Tổ của chúng tôi có trên 20 hộ, hầu hết bà con vay Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện để nuôi bò. Riêng gia đình tôi, nhờ vụ lúa rồi thắng đậm, tôi đã mua thêm 2 con bò, giờ đàn bò có 6 con”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, để đàn bò phát triển ổn định, hiệu quả, thời gian tới ngành sẽ hoàn thiện hệ thống giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh.

Ðối với người chăn nuôi, muốn nuôi bò có hiệu quả cần phải cải tiến phương pháp chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật. Ngoài đầu tư con giống, chuồng trại, bà con cần chú ý đầu tư thức ăn tinh hỗn hợp vỗ béo cho bò, nhất là việc trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh cho đàn bò.

Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên gieo tinh và đầu tư giống bò theo chương trình phối tinh nhân tạo cũng như nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn trong những năm tới. Với cách làm này, tin rằng đàn bò huyện nhà sẽ tiếp tục phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và giúp người dân thoát nghèo một cách hiệu quả nhất.

XUÂN TƯỚC

.
.
.