100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em. Đây là 1 trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt. Quyết định này nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
TÔN TRỌNG Ý KIẾN CỦA TRẺ EM
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện mọi biện pháp nhằm đảm bảo 100% pháp luật, chính sách về trẻ em ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường, cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
|
Tham gia diễn đàn trẻ em giúp trẻ tự tin bày tỏ bức xúc và nêu lên những vấn đề các em quan tâm. |
Để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Nâng cao năng lực về quản lý Nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân. Các cơ quan Nhà nước, nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách, quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp.
Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện Chương trình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Mở rộng hợp tác quốc tế về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm quốc tế. Chủ động tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế về quyền tham gia của trẻ em như diễn đàn trẻ em, liên hoan gặp mặt trẻ em.
Kinh phí thực hiện Chương trình sẽ bao gồm ngân sách Nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, còn chú ý huy động từ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC
Để quyền tham gia của trẻ em thật sự hiệu quả, Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các dự án thúc đẩy, trong đó chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.
Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em, từ đó nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chú trọng đối tượng cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, cha mẹ và trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như: Tổ chức diễn đàn trẻ em 2 năm/lần ở cấp toàn quốc và tổ chức định kỳ mỗi năm tại cấp tỉnh để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em.
Thăm dò ý kiến trẻ em để tham vấn ý kiến trẻ em thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phiếu hỏi, điện thoại di động, tổng đài tư vấn, Internet và các hình thức phù hợp khác. Mục tiêu có ít nhất 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em tổ chức thăm dò ý kiến trẻ em.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức hội đồng trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện HĐND các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, sẽ thành lập câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng, triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em. Chú ý hỗ trợ các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện nhằm giải quyết các nhu cầu của trẻ em, cộng đồng và xã hội.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành chức năng; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; lồng ghép việc thực hiện Chương trình với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, đề án phải tham vấn ý kiến trẻ em và chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình.
MAI HÀ
.