Thứ Sáu, 06/11/2015, 14:51 (GMT+7)
.

Xây dựng 32 mô hình "Văn hóa giao thông đường thủy"

5 năm qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” các cấp đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 32 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, cụ thể:

Đã xây dựng 3 mô hình khu dân cư văn hóa giao thông đường thủy; 21 mô hình bến khách ngang sông văn hóa, an toàn; 1 mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã có văn hóa trong kinh doanh vận tải thủy; 3 mô hình lái phương tiện du lịch an toàn; 2 mô hình đoạn sông văn hóa, an toàn; 2 mô hình tổ chức xã hội văn hóa giao thông. Trong đó: 

Phát áo phao cho hành khách tại bến phà Bình Ninh - Tân Thới (huyện Tân Phú Đông).
Phát áo phao cho hành khách tại bến phà Bình Ninh - Tân Thới (huyện Tân Phú Đông).

Mô hình “Doanh nghiệp có văn hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa” do Ban Chỉ đạo cuộc vận động các huyện, thị triển khai xây dựng: Mô hình đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như đảm bảo 100% phương tiện thuộc các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy trên địa bàn huyện được đăng ký, đăng kiểm; phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn theo quy định.

Các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng của các doanh nghiệp vận tải đường thủy trên địa bàn huyện và những người có liên quan tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và cam kết không vi phạm.

Qua công tác tuyên truyền, đội ngũ thủy thủ, thuyền viên chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tỷ lệ thủy thủ, thuyền viên bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đảm bảo dưới 10%; không xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy có liên quan đến phương tiện thuộc các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy trên địa bàn huyện.

Mô hình “Đoạn sông văn hóa an toàn” ở huyện Cai Lậy: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Cai Lậy đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng trên tuyến sông Ba Rài, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, các lực lượng chức năng có liên quan và UBND các xã có tuyến sông đi qua thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân sinh sống ven tuyến sông biết về mô hình đang xây dựng, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng mô hình, cảnh giác và phòng ngừa tai nạn trên sông.
 
Chủ động phối hợp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra luồng, tuyến, bến thủy nội địa, thanh thải vật chướng ngại trên luồng, tuyến. Các bến khách ngang sông được gia cố, sửa chữa, lắp đặt đầy đủ các biển báo hiệu phòng tránh TNGT. Không để xảy ra những điểm phức tạp về trật tự ATGT, nhất là các “điểm đen” về TNGT. Qua thực hiện mô hình, tình hình trật tự ATGT đường thủy trên đoạn sông luôn được duy trì ổn định, TNGT đường thủy không xảy ra.
 
Mô hình “Khu dân cư văn hóa giao thông đường thủy” tại 3 xã Thanh Hòa, Cẩm Sơn, Hội Xuân thuộc huyện Cai Lậy: Qua thực hiện mô hình đã cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí đề ra, trong đó nhiều tiêu chí đã vượt chỉ tiêu theo quy định như đã đạt trên 95% dân cư không vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy (tiêu chí quy định 90%); các bến thủy, người điều khiển và phương tiện thủy đáp ứng cơ bản các quy định về điều kiện hoạt động trên đường thủy; tình hình trật tự ATGT đường thủy được duy trì ổn định.
 
Mô hình “Bến đò ngang an toàn”: Xuất phát từ đặc thù địa lý địa bàn tỉnh Tiền Giang có mạng lưới sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông nhiều, người dân đi lại tham gia giao thông trên các phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông chiếm tỷ lệ lớn; đồng thời nhận thức được mức độ thiệt hại khi có sự cố TNGT đường thủy xảy ra đối với các loại phương tiện này, vì vậy công tác đảm bảo trật tự ATGT, phòng ngừa TNGT đường thủy xảy ra đối với các phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông luôn được các ngành, các cấp, lực lượng chức năng quan tâm thực hiện.
 
Do đó mô hình “Bến đò ngang an toàn” là mô hình được nhiều địa phương lựa chọn xây dựng trong thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào văn hóa giao thông đường thủy trong thời gian qua. 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 24 mô hình “Bến đò ngang an toàn”, nhiều mô hình đã ổn định và hoạt động tương đối hiệu quả; các mô hình đều đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông theo quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa trong khu vực bến, đặc biệt là không xảy ra TNGT đường thủy.
 
Mô hình “Lái phương tiện du lịch an toàn”: Mô hình do Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với 3 công ty du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho gồm (Công ty TNHH du lịch Công đoàn, Chương Dương, Sinh Thái) tổ chức xây dựng; thông qua thực hiện các nội dung trọng tâm đó là tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông đường thủy cho đội ngũ thuyền viên và đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy.
 
Từ đó, các phương tiện vận chuyển hành khách du lịch luôn chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT và kinh doanh vận chuyển du lịch; tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT đường thủy, đảm bảo 100% hành khách mặc áo phao khi tham gia giao thông, thực hiện tốt quy chế, quy định về kinh doanh vận chuyển hành khách; thuyền viên mặc trang phục đúng quy định, đảm bảo gọn gàng, sạch sẽ, phương tiện được sơn, kẽ số hiệu đúng quy định, các dụng cụ, trang thiết bị trên phương tiện được sắp xếp đúng quy định và đảm bảo chất lượng; đặc biệt là không để xảy ra trường hợp TNGT đường thủy có liên quan các phương tiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch.
 
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phụ trách chủ động lồng ghép xây dựng các mô hình tự quản gắn với công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy tại các địa bàn, khu dân cư ven sông như mô hình “Hội Nông dân với ATGT”, “Hội Cựu chiến binh tự quản về ATGT” (phối hợp Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xây dựng).
 
Nhìn chung, công tác xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” được các ngành, đoàn thể, địa phương lồng ghép, kết hợp với việc thực hiện các phong trào của các ngành, các tổ chức như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới”…
 
Qua thực hiện các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tình hình trật tự ATGT chuyển biến tích cực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT được nâng lên rõ rệt; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Mỗi mô hình được xây dựng có những điểm mạnh, mang lại hiệu quả, giá trị nhất định, là điều kiện, cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, cũng như để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông và xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn minh, thân thiện.
 
P.L
.
.
.