Xe mía 45 năm gắn với tuổi thơ của nhiều học sinh thành phố
45 năm gắn bó với nghề bán mía, đến nay ở vào cái tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Trần Văn Định vẫn chưa muốn “về hưu”. Ông Định nói: “Nhờ đi bán mía mà sức khỏe tôi tốt, chớ mấy ông bạn cùng trang lứa giờ “về” với ông bà hết rồi. Đây là nghề do cha truyền lại và cũng là cái nghiệp của tôi nên tôi sẽ còn gắn bó đến khi nào không làm nổi nữa mới thôi!”.
Vợ chồng ông Định chặt mía chuẩn bị bán cho các em học sinh giờ ra chơi. |
Ở tuổi 71, đáng ra ông Trần Văn Định (ngụ 24/12, Trần Hưng Đạo, phường 4, TP. Mỹ Tho) đã phải an dưỡng tuổi già nhưng vì miếng cơm, manh áo mà ông vẫn phải làm việc. 45 năm làm công việc bán mía, vợ chồng ông Định đã gắn chặt đời mình với chiếc xe mía trên các nẻo đường TP. Mỹ Tho.
Ông Định sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nghèo, cha ông là người bán mía được nhiều người biết đến ở ga xe lửa Biên Hòa (Đồng Nai). Theo lời ông Định kể, thời đó gia đình ông sống được, khá được là nhờ cây mía. Hơn 10 tuổi, ông đã theo cha đi bán mía và đã mưu sinh với nghề này đến nay đã 45 năm.
Tâm sự về cuộc đời mình, ông Định cho biết: “Khoảng năm 1969 ông cưới vợ là bà Nguyễn Thị Nuôi (quê Mỹ Tho) và được biết ở quê vợ chưa có người làm nghề đẩy xe bán mía. Được sự động viên, đồng hành của người vợ, ông suy nghĩ rồi quyết định thuê xe lam chở chiếc xe bán mía của ông từ Biên Hòa vào Mỹ Tho và bắt đầu mưu sinh với nghề bán mía cho học sinh đến nay”.
Tuy đã 71 tuổi, mái tóc ngã màu sương, sức khỏe không được tốt như thời còn trẻ, nhưng mỗi ngày ông vẫn đẩy xe đi khắp các tuyến đường ở thành phố bán mía, mọi người từ già đến trẻ, cán bộ đến người lao động, nhất là các cháu học sinh đều quý mến vợ chồng ông bởi tính phóng khoáng, vui vẻ và uy tín trong buôn bán.
Đôi bàn tay ông Định thoăn thoắt chặt từng khoanh mía, người vợ kế bên bỏ từng khoanh mía vô bịt chuẩn bị đến giờ ra chơi bán cho các cháu học sinh. Ông Định vừa chặt mía vừa trò chuyện với chúng tôi: “Ngày nào cũng vậy, khoảng 2 giờ khuya là tôi thức dậy chuẩn bị róc mía, chặt mía đến khoảng 8 giờ rưỡi sáng thì bắt đầu đi bán, đến 5 giờ chiều mới về nhà.
Tôi thì trực tiếp đứng bán, còn bà nhà (vợ ông) thì chạy ra, chạy vô bổ sung mía; những giờ cao điểm, học sinh ra chơi hoặc tan học thì bà nhà đứng bán phụ. Mỗi ngày bán được khoảng 70 kg mía”. Chúng tôi lấy làm tò mò, hiện nay thị trường cũng có nhiều người bán mía, vợ chồng ông có bí quyết gì giữ chân thực khách 45 năm qua?
Ông Định cười và nói: “Buôn bán phải uy tín, tôi lấy mía từ Cần Thơ về bán, mía ngon tự nhiên ăn rất an toàn; thêm vào đó, thay vì người ta bán 1 bịch 5.000 đồng, tôi bán 4.000 đồng/bịch và khuyến mãi thêm mỗi bịch 1 khúc mía và 1 bịch nhỏ mía chuột (loại mía cây nhỏ) nên ai cũng thích và thường xuyên đến mua. Nhiều cháu học sinh mua mía từ lúc học tiểu học, bây giờ trưởng thành khi đi làm việc vẫn thường xuyên ghé lại mua mía ủng hộ vợ chồng tôi”.
Mỗi ngày, sau khi trừ hết chi phí, vợ chồng ông Định lời được từ 100.000 -120.000 đồng. Ông bảo, có hôm bán đắt nhưng đến 5 giờ chiều cũng phải về vì thức hồi 2 giờ khuya, già rồi sức khỏe không cho phép.
Chúng tôi thắc mắc, đẩy xe đi bán mía cả ngày rất vất vả, sao ông không chọn nghề nào nhẹ nhàng hơn hay ở nhà dưỡng già để con cháu nuôi? Ông Định nói: “vợ chồng tôi có 2 người con trai, các con đã lập gia đình nhưng đều có hoàn cảnh khó khăn, làm chỉ đủ lo cho gia đình nên không thể phụng dưỡng cha mẹ.
Tôi chỉ mong những đứa con cố gắng lao động để có cuộc sống tốt hơn. Vợ chồng tôi đi bán mía được nên có thể kiếm tiền để trang trải. Nhờ gắn bó với cái nghề này quen tay, quen chân vận động nên sức khỏe tốt. Vả lại, cái nghề này hàng ngày gần gũi với các cháu học sinh riết rồi mến các cháu, không làm thì buồn lắm!”.
45 năm qua, vợ chồng ông Định cần mẫn đẩy chiếc xe mía trên những con đường quen thuộc của thành phố. Những dấu chân nơi ông đi qua, với khuôn mặt đôn hậu người dân nơi đây gần như ai cũng biết, cũng nhớ. Nhớ về ông và nhớ về những bịch mía ngọt lịm! Nhìn bàn tay chai sần, làn da đen sạm mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của vợ chồng ông Định khi gắn bó với nghề dãi nắng dầm mưa này, nhưng với vợ chồng ông đó không chỉ là nỗi vất vả mà còn là niềm vui, là nguồn sống của gia đình và là nghề của cha ông truyền lại.
“Vợ chồng tôi sẽ gắn bó với nghề bán mía đến khi nào không còn làm nổi mới thôi, bởi chính nó đã giúp tôi nuôi gia đình và bản thân từ thuở nhỏ đến giờ” - Ông Định nói
HOÀI THU
.