Thứ Hai, 14/12/2015, 10:27 (GMT+7)
.

Bấp bênh nghề vá lưới thuê

Xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông nằm nép mình bên dòng sông Vàm Cỏ quanh năm hiền hòa, trĩu nặng phù sa. Người dân ở đây sinh sống bằng 2 nghề chính là ngư nghiệp và nông nghiệp. Từ lâu, hình ảnh những người thợ ngồi trải dài, đôi tay thoăn thoắt chăm chút vá từng tấm lưới đã trở thành nét riêng cho vùng quê. Nếu nói biển là “tiền tuyến” thì những người thợ đan lưới là “hậu phương” vững chắc cho những chuyến tàu vững vàng ra khơi bám biển.

Để đến được ấp 4, xã Tân Phước mà bà con nơi đây hay gọi là ấp Lăng, chúng tôi phải băng qua đoạn đường đê gồ ghề dưới cái nắng cháy da của tháng cuối năm. Theo những người thợ vá lưới lâu năm ở đây cho biết, nghề vá lưới thuê đã xuất hiện hơn 30 năm, diễn ra gần như quanh năm, chỉ nghỉ vào tháng giêng âm lịch, lúc tàu thuyền vào bờ ăn Tết. Thời gian được coi là mùa của nghề vá lưới là vào tháng 9 đến cuối tháng 10 âm lịch, vì đây là thời điểm tàu thuyền về nằm bờ, xả bãi, tránh mùa biển động.

Chịu khó và tỉ mỉ là 2 đức tính cần có của người thợ vá lưới.
Chịu khó và tỉ mỉ là 2 đức tính cần có của người thợ vá lưới.

Hiện tại xã Tân Phước có hơn 50 thợ vá lưới, họ chia ra thành từng tốp từ 10 - 15 người đến làm việc cho các chủ tàu. Công việc của những người thợ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, mỗi người thợ chỉ nghỉ trưa 30 phút để ăn cơm, rồi lại tiếp tục công việc. Trung bình mỗi ngày 1 nhóm thợ có thể sửa hoàn chỉnh từ 3 - 5 tấm lưới.

Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như: Cột lại viền lưới, nức chì lưới, vá lưới…, thỉnh thoảng người thợ còn đan lưới mới khi chủ tàu yêu cầu. Dụng cụ đan lưới không quá phức tạp, chỉ cần 1 con thoi, dao hoặc kéo để cắt lưới là đủ.

Chị Lưu Thị Sa (ấp 3) đôi tay vẫn thoăn thoắt đan lưới, nói chuyện với chúng tôi: “Vá lưới nhìn ngoài thì dễ chỉ đan qua đan lại, vậy chứ khi làm yêu cầu mình phải tỉ mỉ, siết chặt từng mắc lưới để lưới không bị bung khi thả xuống biển. Người thợ phải kỹ tính và chịu khó mới có thể làm được nghề này”.

Công đoạn nặng nhọc nhất của việc vá lưới là cột viền. Cột viền là công đoạn buộc chặt mành lưới vào một sợi dây thừng lớn, dây thừng như là “xương sống” giữ chặt mành lưới với tàu khi được thả dưới biển.

Anh Nguyễn Văn Khóm (ấp 4) vừa siết dây vừa nói : “Công đoạn cột viền này thường do cánh đàn ông chúng tôi làm, vì khi buộc viền phải dùng lực thật mạnh buộc chặt, nếu không khi gặp sóng lớn viền sẽ tuột ra không bắt được cá”.

Anh Trần Văn Hùng Em (ấp 4), một chủ tàu cá cho biết: “Chi phí đầu tư nguyên liệu và thuê thợ đan lưới so với mua lưới đan bằng máy như nhau, nhưng lưới đan thủ công sẽ bền hơn lưới đan bằng máy, vì mắc lưới đan bằng máy lỏng và thưa, dễ bị tuột ra khi gặp sóng biển”.

Theo quan sát của chúng tôi, thợ đan lưới đa số là phụ nữ, họ đều đã gắn bó với nghề này hơn 20 năm. Với 8 giờ làm việc mỗi ngày, thu nhập của một người thợ là 100 ngàn đồng. “Bây giờ là tháng 10 âm lịch, công việc nhiều nên mới được như vậy. Những tháng còn lại việc ít, chúng tôi chỉ được trả tiền công từ 70 - 80 ngàn đồng 1 ngày thôi” - chị Đoàn Thị Điểm (ấp 3) cho biết.

Số tiền công ít ỏi, nên nghề vá lưới không giúp được nhiều cho cuộc sống của những người thợ đan. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (ấp 3) cho biết: “Nhà tôi có 4 miệng ăn, chồng tôi làm nghề đăng lưới sông, cộng với thu nhập từ trồng lúa cũng chỉ đủ trang trải qua ngày chứ không có dư. Những lúc đau yếu bất chợt không biết phải làm sao”.

Với những gia đình cùng gắn bó với nghề này thì khó khăn hơn gấp bội, như trường hợp của anh Nguyễn Minh Nhu (ấp 4) vừa lau giọt mồ hôi trên trán vừa nói: “Vợ chồng tôi đều làm nghề này. Nhà tôi còn 2 con nhỏ đang tuổi đi học, những ngày có việc làm thì đỡ được phần nào, đến tháng Tết không còn việc, vợ chồng tôi phải đi tìm việc làm thuê cho bà con trong xã, nếu không có việc thì đành chịu không có thu nhập”.

Hình ảnh những người thợ ngồi trải dài, đôi tay thoăn thoắt chăm chút từng tấm lưới đã trở thành nét riêng cho vùng quê Tân Phước. Nếu nói biển là “tiền tuyến” thì những người thợ đan lưới là “hậu phương” vững chắc cho những chuyến tàu vững vàng ra khơi và khi trở về chở đầy khoang cá!

PHAN THẮNG

.
.
.