Cuộc chiến phía sau người lính
Qua phà, xe chúng tôi theo lộ Kinh Tế Mới chạy ra phía biển để đến ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Nhà anh cựu chiến binh Trần Ngọc Châu (SN 1965) - một gia đình nạn nhân chất độc da cam nghèo có sổ, nằm sát lộ.
Nhìn từ ngoài vào, thì đó là căn nhà khá vững chắc; nhưng khi bước vào nhà mới thấy hết sự xơ xác của nó. Bên khung cửa sổ sắt có 1 cô gái trẻ đang ngồi bất động, hờ hững nhìn ra ngoài. Khuôn mặt cô không biểu hiện một sắc thái nào cả, không nói, không cười, thậm chí cũng không thèm nhìn những người bước vào nhà. Đó là Trần Thị Trúc Linh, 25 tuổi, con gái thứ hai của vợ chồng anh Châu.
Vợ chồng anh Trần Ngọc Châu và con gái (Trần Thị Trúc Linh). |
Anh Châu đi làm, vợ anh (chị Trần Thị Bích Vân, SN 1966) cho biết: Anh chị có 3 người con, nhưng chỉ có người con gái lớn là lành lặn, đang sống bên nhà chồng. Trúc Linh là con thứ hai. Hồi mới chào đời, tay trái và chân trái của Linh đã không cử động được.
Lên 20 tuổi Linh liệt thêm chân phải, đã vậy còn bị chứng động kinh, cứ vài ngày lại lên cơn co giật, gồng cứng người, mắt trợn trừng… Ngày nào Linh cũng phải uống thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm.
Con thứ ba của anh chị là Trần Trung Hiếu (23 tuổi), bị chân thấp chân cao, đi khập khiểng và thường kêu đau nhức ở chân. Không biết vì bệnh tật làm Hiếu khó chịu, hay vì thần kinh có vấn đề mà Hiếu rất dễ bị kích động, dễ bùng phát những cơn giận dữ. Những lúc như vậy, vợ chồng anh Châu phải nhỏ nhẹ dỗ dành. Sức yếu, Hiếu chỉ làm được những công việc nhẹ, vậy mà có lúc cũng phải đi làm mướn để san sẻ bớt gánh nặng cho cha mẹ.
Đôi mắt chị Vân đượm buồn, bùi ngùi tâm sự: “Cả nhà 4 miệng ăn chỉ sống dựa vào tiền công làm mướn của anh Châu, làm không cơm thì mỗi ngày được trả công 150.000 đồng, đâu phải ngày nào cũng có việc làm. Mấy lúc mưa dầm không ai thuê phải mua gạo chịu, rồi xuống kinh rạch mò tép, cá; có khi tôi mò cả buổi chỉ được vài con cá bống.
Nhà người ta còn có đất đai, tài sản, còn gia đình tôi chỉ có cái nền nhà này. Nhà có sổ hộ nghèo, được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế và 30.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Linh là nạn nhân chất độc da cam, mỗi tháng được lãnh 540.000 đồng, biết ơn lắm, nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu”.
Nghe có Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, huyện tới thăm, anh Châu chạy về. Trong bộ đồ lao động đẫm mồ hôi, anh tươi cười chào chúng tôi. Đó là người đàn ông có vóc dáng thon nhỏ, rắn chắc. Anh Châu vào bộ đội tháng 8-1984, đến tháng 10-1987 được phục viên.
Đơn vị anh thuộc Sư đoàn 330, làm nghĩa vụ quốc tế ở tỉnh Bát-Tam-Băng, nằm sát biên giới Camphuchia - Thái Lan. Suốt hơn 3 năm trong quân ngũ anh đều ở chiến trường và chưa một lần về phép. Ai biết được trong thời gian đó anh đã bị nhiễm chất độc gì, mà sinh ra 3 đứa con thì 2 đứa đã bị tật nguyền.
Trở về quê được 1 năm thì anh cưới vợ, cất căn nhà lá nhỏ ra riêng trên cái nền đất cha mẹ cho. Năm 2003, Mặt trận Tổ quốc xã hỗ trợ gia đình anh 5 triệu đồng cất căn nhà đại đoàn kết này. Anh Tư Tấn (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh) và anh Điệp (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tân Phú Đông) nhìn lên trần nhà nói: “Nhà này giờ mục hết rồi, mai mốt dỡ chắc không ai dám leo lên”.
Nghe anh nói, tôi quan sát kỹ căn nhà. Tấm Huân chương Chiến công hạng Ba tặng cho Thượng sĩ Trần Ngọc Châu treo “lạc lõng” trên vách lá. Hai tấm vách lá hai bên đều đã mục, được phủ thêm bên ngoài lớp manh bao, mà manh bao cũng không lành.
Vách buồng dừng bằng manh bồ, rồi dán giấy, cũng bị sứt từng mảng. Cột kèo là gỗ tạp, có cây chỉ bằng cổ chân. Mái lợp tol típ rô, nền đất. Cái nóng hầm hập hắt xuống từ mái tol, từ mặt đường nhựa và từ cái cánh én bằng thiếc đang bị gió đập kêu xèng xèng…
Chị Vân buộc phải ở nhà trông con, vì Linh có thể lên cơn động kinh bất cứ lúc nào. Hiếu giúp cha không nhiều. Một mình anh Châu phải bươn chải nuôi cả nhà. Bây giờ sức khỏe anh tốt, làm quần quật mà gia đình còn mắc nợ, lỡ anh bị bệnh không biết sẽ ra sao.
Hiện gia đình anh nợ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng và nợ 2 dây hụi chết, mỗi tháng phải đóng 1 triệu đồng. Đó là số tiền anh vay sửa nhà và tiền chi phí mấy lần Linh nhập viện. Chưa kể, anh nợ Chương trình tài trợ chăn nuôi của Na-uy 7 triệu đồng.
Khi được xét cho mượn 7 triệu đồng, anh chị rất mừng, mua ngay con dê cái đang có chửa về nuôi. Ai ngờ, dê cái đẻ được 2 dê con thì chết vì bị bệnh cúm, rồi 2 con dê con cũng chết, coi như 7 triệu đồng “không cánh mà bay”.
Anh Đoàn Ngọc Chanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã nói: “Xã này nghèo quá nên Hội Cựu chiến binh cũng nghèo, vốn xoay vòng chẳng bao nhiêu, mỗi suất cho mượn chỉ được vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Tuy anh Châu là hội viên hoạt động tích cực, nhưng hội không có khả năng giúp anh. Bây giờ chỉ hy vọng có nhà tài trợ nào đó giúp anh cất lại cái nhà, chứ ở như vầy… hồi hộp quá!”.
Đó cũng là điều mong ước của tôi và những người có mặt tại nhà anh Châu hôm ấy. Cứ tưởng rời chiến trường về với hậu phương, về với đời thường anh sẽ được sống ấm êm, hạnh phúc, nào ngờ… Trong cuộc mưu sinh - một cuộc chiến phía sau người lính cũng không kém gian khổ, nghiệt ngã và không biết anh còn phải chiến đấu đến bao giờ.
NGỌC THỦY