Thứ Sáu, 04/12/2015, 10:19 (GMT+7)
.

Nghề đan lồng lưới góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn

Nghề đan lồng lưới xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc xuất hiện trên địa bàn các xã Tân Đông, Tân Hòa, Kiểng Phước, Tân Phước (huyện Gò Công Đông) khoảng vài năm trở lại đây. Sự ra đời của nghề đan lồng lưới đã góp phần giải quyết việc làm cho bà con nơi đây, giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

 Những người đan lồng lưới đang làm việc.
Những người đan lồng lưới đang làm việc.

Nghề đan lồng lưới mới xuất hiện khoảng 5 năm nay, do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phú Đạt sản xuất. Hàng ngày, người dân ở các xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông đến Công ty Phú Đạt ở xã Tân Đông để nhận hàng về nhà làm. Hàng sau khi làm xong sẽ giao lại cho công ty vào sáng hôm sau.

Công việc giao và nhận hàng được bắt đầu vào mỗi sáng hàng ngày, riêng ngày thứ bảy sẽ nhận hàng luôn cho ngày chủ nhật. Trung bình mỗi hộ gia đình sẽ được nhận từ 5 - 10 lồng lưới, tùy theo số lượng hàng nhiều hay ít. Nhận hàng xong mọi người đều tranh thủ mang về nhà làm để sáng hôm sau kịp giao cho công ty. Cô Huỳnh Thị Lợi (49 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Phước) trải lòng: “Có khi hàng gấp quá phải làm tới 1 - 2 giờ sáng để hôm sau kịp giao. Khi nào bận quá thì phải mướn thêm người đan phụ”.

Thời gian đầu, do đây là một nghề còn khá mới mẻ nên số hộ dân làm nghề đan lồng lưới không nhiều. Sau này, thấy công việc cũng khá nhẹ nhàng, thêm vào đó là thu nhập ổn định, từ đó nghề này được lan rộng ra nhiều hộ dân. Lồng lưới được sản xuất chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc dùng để nuôi thủy sản như ngọc trai, sò điệp.

Bà Trương Thị Lép đang cố định lưới vào khung lồng.
Bà Trương Thị Lép đang cố định lưới vào khung lồng.

Nghề đan lồng lưới mỗi ngày thu hút khoảng vài trăm người tham gia sản xuất. Do đây là công việc làm tại nhà, không bó buộc thời gian nên người làm nghề này có thể chủ động được thời gian làm việc. Ngoài việc trồng trọt và chăn nuôi thì nghề này cũng góp phần tạo việc làm cho người dân nông nhàn miệt biển Gò Công. Cô Lợi cho biết: “Ngoài làm ruộng và chăn nuôi thì đây là nghề giúp gia đình tôi kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Công việc này làm ở trong mát, vì vậy khỏe hơn nhiều so với những việc ở ngoài đồng”.

Đối với những người không có nghề nghiệp ổn định thì nghề đan lồng lưới xuất hiện được xem là “cứu cánh” mang lại một công việc ổn định cho họ. Trước kia chưa làm nghề này, chị Nguyễn Thị Bé Tuyền (30 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Phước) chỉ ở nhà làm nội trợ và trông nom con cái. Từ khi nghề đan lồng lưới xuất hiện, chị bắt đầu làm và hiện tại đã trở thành công việc chính của chị.

“Tôi làm nghề này khoảng 3 năm nay. Ban đầu do chưa quen nên gặp nhiều khó khăn, nhưng làm riết cũng quen. Từ ngày làm công việc này, cuộc sống gia đình đã đỡ hơn trước” - chị Tuyền tâm sự.

Lồng lưới ở đây được chia thành 2 loại: Lồng nứt và lồng xỏ sắt. Trung bình mỗi ngày, những người làm công việc này phải bỏ ra khoảng 8 giờ để làm việc. Để có thể làm nên 1 chiếc lồng hoàn chỉnh, đạt yêu cầu mà công ty đưa ra phải mất khoảng 3 - 4 giờ.

Lưới và khung lồng đã được công ty gia công sẵn, công việc của những người làm nghề đan lồng lưới là gắn kết chúng lại với nhau để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Lồng lưới ở đây có hình dạng ống tròn, chiều rộng từ 0,38 - 0,5 m, chiều dài từ 4 - 5 mét (tùy theo kích cỡ).

Lưới sẽ được đan vào những vòng sắt tạo thành những vòng lồng nhỏ cách đều nhau, được đan tỉ mỉ và khéo léo. Theo những người làm nghề này thì việc đan lồng nứt sẽ nhanh và khỏe hơn so với lồng xỏ sắt.

Ông Đoàn Phú Kháng (ngụ ấp 3, xã Tân Phước cho biết: “Việc đang lồng lưới này có nhiều công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn đòi hỏi phải có sự thành thạo và khéo léo. Đối với loại lồng nứt thì công ty trả công 70 ngàn đồng/cái, còn loại lồng xỏ sắt thì chỉ được 40 ngàn đồng. Mỗi tháng lãnh lương 1 lần vào ngày 10”.

Ông Đoàn Phú Kháng đang thực hiện công đoạn xỏ sắt vào lồng.
Ông Đoàn Phú Kháng đang thực hiện công đoạn xỏ sắt vào lồng.

Nghề đan lồng lưới ở đây không những giúp những người không có việc làm  có điều kiện ổn định cuộc sống, còn giúp những người già có thu nhập khi tuổi đã xế chiều. Ông Hồ Văn Bước (63 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Phước) chia sẻ: “Lúc trước nhà có làm ruộng, nhưng lớn tuổi rồi đâu làm được gì nữa. Nhờ có nghề đan lồng lưới này mà mình có thêm thu nhập, mỗi ngày kiếm được tầm 100 ngàn đồng, đủ để trang trải cuộc sống”.

Chỉ tính riêng trên địa bàn ấp 3, xã Tân Phước có khoảng 25 hộ làm nghề này, với khoảng 75 lao động. Nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng nhau làm. Bà Trương Thị Lép (67 tuổi, ngụ xã Tân Phước) cho biết: “Con tôi lãnh về, tôi thấy vậy nên làm phụ.

Đứa cháu ban ngày đi học, chiều về cũng phụ gia đình để đan lồng”. Những người làm công việc đan lồng lưới mỗi ngày thu nhập khoảng 80 ngàn đồng. Thu nhập từ nghề này tuy không cao nhưng ổn định, góp phần tạo việc làm cho nhiều người. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện, giúp họ ổn định cuộc sống.

MINH THÀNH

.
.
.