Ông Phan Minh Thanh: Dấu ấn một thời làm đại biểu của dân
3 khóa liền làm đại biểu Quốc hội, trong đó có 2 khóa làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, ông Phan Minh Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã để lại khá nhiều dấu ấn của một thời làm đại biểu của dân, ông kể:
Năm 1981, tôi là Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Thương nghiệp, được cử tri tỉnh nhà tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Khóa VII (giai đoạn 1981 - 1987). Đây là thời kỳ còn thực hiện cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp nên các kỳ họp của Quốc hội chủ yếu là thảo luận, lấy ý kiến để ban hành các đạo luật nhằm thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng.
Trong nhiệm kỳ này, với 12 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh.
Ngoài các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước được ban hành mới theo Hiến pháp năm 1980, đáng chú ý là lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự (năm 1985); Luật Hôn nhân - Gia đình (năm 1986), thể hiện bước phát triển đáng kể trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến, cụ thể: Tại Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá -
lương - tiền; đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, do tình hình đất nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng nên những vấn đề bức xúc và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân chưa được đưa lên “bàn cân” để Quốc hội xem xét.
Năm 1987, tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhà Khóa VIII (giai đoạn 1987 - 1992). Đây là thời kỳ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp bị xóa bỏ, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh, nên các kỳ họp đại biểu Quốc hội có nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến đóng góp.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, trong nhiệm kỳ 5 năm với 11 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Đáng chú ý là nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên đã được ban hành như:
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987), Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) và Luật Công ty (năm 1990). Quốc hội còn ban hành các luật về thuế như: Luật Thuế doanh thu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế lợi tức và một số bộ luật, luật khác như: Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng... Hội đồng Nhà nước đã ban hành hàng loạt pháp lệnh điều chỉnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6-1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được Quốc hội Khóa VIII xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (năm 1992), thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân và thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, tạo cơ sở pháp lý đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
So với các nhiệm kỳ trước, cách bàn bạc và biểu quyết của Quốc hội Khóa VIII được thực hiện dân chủ và cởi mở hơn, thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước.
Năm 1992, tôi tiếp tục được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhà Khóa IX (nhiệm kỳ 1992 -1997). Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian và trí tuệ trong hoạt động lập pháp, với kết quả: 39 luật, bộ luật và 41 pháp lệnh đã được ban hành.
Nhiều đạo luật tạo cơ sở pháp lý hình thành môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế đã được Quốc hội Khóa IX ban hành như: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Công ty (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, các luật về thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều pháp lệnh, trong đó đáng chú ý là Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng”. Đây là những vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được Quốc hội đưa ra bàn bạc, quyết định.
Không còn làm đại biểu Quốc hội, nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi các kỳ họp của Quốc hội và vô cùng phấn khởi vì chất lượng các kỳ họp Quốc hội ngày càng được nâng cao. Các đại biểu đều có quyền chất vấn các bộ, ngành và các thành viên Chính phủ. Những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được Quốc hội xem xét, giải quyết.
Nói thật, trước đây muốn phát biểu, các đại biểu phải làm văn bản gửi trước, được thông qua mới được phát biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tại Quốc hội. Chúng tôi rất tự hào vì đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với Đảng và nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG
(ghi theo lời kể của ông Phan Minh Thanh)