Quán xưa ở Mỹ Tho
Quán nằm ngay góc đường Lê Thị Phỉ - Lê Lợi, đối diện với cổng sau Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, bên hông Trung tâm Thương mại TP. Mỹ Tho (trước là chợ Hàng Bông). Đó là cái quán không bảng hiệu, diện tích nhỏ, bàn ghế mang dáng dấp xưa: Những chiếc ghế đẩu không lưng dựa xếp chung quanh cái bàn tròn.
Anh Thành, "đệ tử" chú Năm Quần đang bán hủ tiếu cho khách. Ảnh: Vân Anh |
Xưa quán do bác Hai Tà Lình, là người Việt gốc Hoa làm chủ, nên nhiều người gọi là quán chú Lình. Lúc sinh thời, bác Hai Tà Lình thường kể cho khách nghe xuất xứ của cái quán bình dân này có từ khi nơi đây còn là bến xe Mỹ Tho. Giờ vợ chồng bác Hai đã mất, cô con gái và người cháu trai nối nghiệp.
Quán mở cửa rất sớm, từ 4 - 5 giờ cho tới khoảng tan tầm. Khách chủ yếu là bạn hàng, những người chạy “xe ôm”, bốc vác, khách hàng đi chợ…
Ông Sáu độ 70 tuổi, ở đường Huỳnh Tịnh Của, phường 7, là khách thường xuyên của quán, cho biết: “Tôi đã quen ăn sáng, uống cà phê ở đây từ hồi còn làm bốc vác ở chợ Hàng Bông, lúc mới mười mấy tuổi”. Cũng như nhiều người khác, ông đã ghiền mùi vị của ly cà phê vợt khê đắng và tô hủ tiếu ở đây từ mấy chục năm nay.
Cà phê trong tiệm chú Lình được pha trong một cái túi vải hình phễu, may cặp với cọng kẽm làm vành và cán. Cà phê pha kiểu này trong Nam gọi là cà phê vợt, cà phê kho; miền Bắc gọi là cà phê bít tất. Cái vợt đen kịn vì thấm tinh chất cà phê vào thớ vải, đựng khoảng nửa ký cà phê bột, chế nước thiệt sôi rồi rót vào một cái siêu sắc thuốc bằng sành.
Sau đó người bán chế siêu cà phê vào những hàng ly xây chừng - một loại ly thủy tinh nhỏ, không quai, thành những ly cà phê đen (xây chừng), cà phê sữa (bạc xỉu), sữa ít cà phê (bạc xỉu phé)… rồi phổ ky (bồi bàn) bưng ra cho khách. Bây giờ thì cái siêu sắc thuốc bằng sành của chú Lình đã được người cháu thay bằng cái bình bằng inox sáng bóng.
Hủ tiếu quán chú Lình trước đây do chú Năm Quần, ở phường 7 nấu. Sau vì lớn tuổi, chú giao lại cho “đệ tử” đứng bán. Không giống như tô hủ tiếu Mỹ Tho ở nhiều địa phương khác, tô hủ tiếu quán chú Lình vừa phải, sợi bánh nhỏ, trong và dai.
Nước hủ tiếu được hầm xương heo, khô mực và tôm khô để lấy vị ngọt. Trải lên trên là thịt nạt xắt lát mỏng, thịt bằm, vài miếng gan, một ít phèo, thêm dĩa giá sống, chanh ớt. Không thể thiếu chai xì dầu để khách nêm cho vừa miệng. Khách ăn nhớ mãi vị ngọt đậm đà mà rất bình dân của tô hủ tiếu.
Thỉnh thoảng, có khách đi xe hơi sang trọng ghé vô quán, có lẽ họ muốn tìm lại cái mùi vị của ly cà phê vợt thời xa xưa và tô hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu trong cái không gian ồn ào đủ thứ âm thanh và mùi vị chen lẫn của quán chú Lình.
DƯƠNG MINH