Thứ Tư, 23/12/2015, 14:56 (GMT+7)
.
TRẠI GIAM PHƯỚC HÒA:

Đậm tính nhân văn qua phong trào viết thư "Gởi lời xin lỗi"

Đại tá Trần Văn Dung, Giám thị Trại giam Phước Hòa cho biết: “Ngày 26-3-2014, nhận được Kế hoạch 319/KH - C81-C86 của Tổng cục trưởng Tổng cục 8 - Bộ Công an về việc tổ chức phát động cho phạm nhân, trại viên viết thư với chủ đề “Gởi lời xin lỗi”, ngày 7-4-2014 Trại giam Phước Hòa đã xây dựng Kế hoạch 295 (giai đoạn 1, từ ngày 7-4-2014 đến 30-5-2015), thành lập Ban Chỉ đạo và xúc tiến thực hiện. Kết quả, có 1.580 phạm nhân tham gia viết thư (chiếm tỷ lệ 58% tổng số phạm nhân), qua kiểm duyệt có 1.251 thư đạt yêu cầu.

Đại tá Trần Văn Dung tặng Giấy khen cho 15 phạm nhân có thành tích tốt trong học tập và lao động cải tạo.
Đại tá Trần Văn Dung tặng Giấy khen cho 15 phạm nhân có thành tích tốt trong học tập và lao động cải tạo.

Ban Chỉ đạo đã soạn thảo thư ngỏ, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, cung cấp địa chỉ, số điện thoại của người nhận, bày tỏ quan điểm về hồi âm thư cho từng phạm nhân và gởi kèm theo những bức thư; thế nhưng giai đoạn đầu không có thư hồi âm.

Kết thúc giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết nội bộ, rút kinh nghiệm và ban hành Kế hoạch 592 tiến hành giai đoạn 2, diễn ra từ ngày 23-6 đến 1-8-2015. Lần này, các phân trại chủ động triển khai, tuyên truyền cho phạm nhân hiểu được ý nghĩa nhân văn của phong trào viết thư “Gửi thư xin lỗi” nhằm góp phần xóa đi sự hận thù, khơi dậy lòng vị tha về những lỗi lầm mà phạm nhân đã gây ra trước đây; đồng thời giúp phạm nhân gạt bỏ cảm giác bị dày vò, ray rứt lương tâm, từ đó quyết tâm cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.

Kết quả, đã có gần 50% phạm nhân viết thư. Sau khi kiểm duyệt, lấy địa chỉ người bị hại, Ban Chỉ đạo gởi thư về Phòng Cảnh sát hình sự và Hỗ trợ tư pháp (PC81) - Công an các tỉnh nhờ chuyển giúp. Riêng tại Tiền Giang, Ban Chỉ đạo cử 2 đồng chí phối hợp cùng PC81 tiếp xúc trực tiếp người nhận thư. Với cách làm này, đã có 18 thư hồi âm của người bị hại, nội dung tha thứ và khuyên nhủ, động viên phạm nhân cải tạo tốt để được sớm đoàn tựu với gia đình…

Phạm nhân Nguyễn Thành Độ (sinh năm 1991), tội danh giết người, trong  những ngày tháng ở trại giam đã luôn day dứt và bị ác mộng, tâm sự: “Em thật hổ thẹn với lương tâm, ân hận về hành vi tội lỗi của mình đã gây ra. Em viết thư và rất mong tấm lòng từ bi của chú Bùi Tấn Phúc (cha ruột người bị hại) nhận lời xin lỗi của em, để em được nhẹ lòng mình đôi chút!...”.

Phạm nhân Lê Xuân Tân (sinh năm 1987), tội danh trộm cắp, án phạt 13 năm tù, bày tỏ: “Đây là dịp tốt để tôi và các phạm nhân khác có thể giải tỏa được tâm lý mặc cảm về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Viết nội dung lá thư tuy chưa thể hiện đủ thành ý, nhưng đã giúp tôi bớt giày vò lương tâm, tạo động lực rất lớn để tôi cố gắng học tập và lao động cải tạo tốt, sớm hòa nhập cộng đồng, làm người lương thiện…”.

Viết thư “Gởi lời xin lỗi” cũng nhằm giúp phạn nhân “thay lời muốn nói”, gián tiếp xin lỗi người thân là cha, mẹ, vợ, con và bà con, mà thực tế khi gặp mặt khó mà thố lộ bằng lời. Ngoài ra, còn nhiều bức thư gởi cơ quan, chính quyền, đoàn thể… nơi mình đã từng công tác và nơi cư trú, mong những nơi này tha thứ lỗi và giúp họ hòa nhập với xã hội khi đã mãn án.

Trại giam Phước Hòa là nơi giam giữ khá đông phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự và mức án cao; ở nhiều vùng, miền; khác nhau về độ tuổi, học vấn, nhận thức… nên rất phức tạp. Có nhiều phạm nhân do mặc cảm và trên 40% số phạm nhân không biết chữ hoặc học chưa hết tiểu học… nên không tham gia phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi”.

Việc tiếp xúc với người nhận thư cũng là việc khá nhạy cảm, bởi ít nhiều đã gợi lại nỗi đau của gia đình người bị hại. Về vấn đề này, theo báo cáo của cán bộ trực tiếp giao thư cho người bị hại, người nhận có nhiều cảm xúc khác nhau nhưng cũng không ngoại lệ những trường hợp còn hoài nghi, chưa tin tưởng và có 1 trường hợp không chịu nhận thư xin lỗi. Đoán được điều này, phạm nhân Bùi Văn Vũ tâm sự: “…Có thể nhiều người không tin có một tòa án lương tâm của một kẻ lừa đảo như em!”.

Theo Giám thị Vũ Văn Phượng (thành viên Ban Chỉ đạo phong trào viết thư “Gởi lời xin lỗi” của Trại giam Phước Hòa): “Qua phong trào viết thư “Gởi lời xin lỗi” đã giúp phạm nhân bình tâm suy nghĩ, nhận thức lại chính mình, tác động tích cực đến công tác ổn định an ninh trật tự trại giam và giúp phạm nhân thi đua học tập, lao động cải tạo tiến bộ, hướng thiện, giúp tự tin hơn khi trở về với gia đình, xã hội, ngăn ngừa tình trạng tái phạm tội…”.

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng cho biết, qua phong trào phạm nhân viết thư “Gởi lời xin lỗi” giúp phạm nhân bày tỏ nỗi ân hận, quyết tâm làm lại cuộc đời, đó là một trong những phương pháp giáo dục mới, đậm tính nhân văn mà cán bộ, chiến sĩ Cục 86 đã làm được trong năm 2014 và đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Tổng Cục VIII đã chọn ra 100 bức thư hay nhất in thành sách và phát hành nội bộ trong các thư viện trại giam để phạm nhân đọc. Từ hiệu ứng tốt của phong trào, các trại giam tiếp tục duy trì và nhân rộng phong trào này.

NGỌC LỆ

.
.
.