Vận động HGĐ tham gia BHYT: Cần có sự vào cuộc của cả HTCT
Theo BHXH tỉnh, tính đến ngày 12-12-2015, Tiền Giang có 1.148.701 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 65,8% dân số; trong đó có 204.454 người tham gia BHYT theo hộ gia đình, đạt 27,5% tổng số người thuộc nhóm đối tượng này.
Theo chỉ tiêu Chính phủ giao, năm 2015 Tiền Giang phải đạt 70% dân số tham gia BHYT. Còn chỉ không đầy 1 tháng mà Tiền Giang phải phấn đấu phát triển thêm 4,2% dân số tham gia BHYT là điều hết sức khó khăn.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:
Để đạt tỷ lệ 70% dân số trong tỉnh tham gia BHYT, cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) BHXH tỉnh đã quyết liệt nỗ lực thực hiện, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn nhất định, nhất là vận động đối tượng hộ gia đình.
Theo thống kê, năm 2015 Tiền Giang còn khoảng 584.800 người chưa tham gia BHYT, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 28.000 người; học sinh, sinh viên (HS-SV) khoảng 20.700 người; hộ gia đình 536.100 người. Đây là những đối tượng khó vận động, bởi những nguyên nhân sau:
- Tâm lý người dân khi bỏ tiền ra mua BHYT muốn chọn tuyến bệnh viện tốt nhất, không hài lòng chọn tuyến y tế cấp xã do một số nơi thiếu bác sĩ, hoặc có bác sĩ nhưng là trưởng trạm thường xuyên bận dự hội họp, ít khi thường trực tại trạm để khám cho bệnh nhân.
Mặt khác, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất… chưa đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh. Đối với các cơ sở y tế tuyến huyện, hiện hầu hết đều quá tải, khi khám, chữa bệnh phải chờ đợi thời gian dài nên nhiều người dân không muốn tham gia.
- Do quy định người thuộc hộ gia đình đã tham gia BHYT trước đây tiếp tục được tham gia BHYT theo hình thức cá nhân trong năm 2015, nên nhiều gia đình chỉ quan tâm tham gia lại cho người đã mắc bệnh hoặc đang có nguy cơ mắc bệnh để được BHYT chia sẻ, các thành viên còn lại trong hộ có tư tưởng bản thân còn khỏe mạnh, ít bệnh tật chưa cần đến BHYT nên không tham gia.
- Công tác tuyên truyền chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được đẩy mạnh, tuy nhiên thông tin chưa đến hết tất cả người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu nhiều người dân hiểu về BHYT còn rất hạn chế, chưa hiểu đúng bản chất sâu xa, tính nhân văn và chia sẻ cộng đồng, do vậy cũng chưa tích cực tham gia BHYT.
Để người dân hiểu đúng và tham gia BHYT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, trong đó cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung để tác động thay đổi nhận thức nhân dân về chính sách mới của BHYT.
Với vai trò là đơn vị thực hiện chính sách BHYT, BHXH tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHYT đến người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:
Tuyên truyền qua báo, đài; dựng panô tại các trung tâm xã (phường, thị trấn); cấp phát tờ rơi, tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT” đến từng hộ gia đình, HS-SV và người lao động; chủ động phối hợp với các ngành liên quan, nhất là ngành Y tế để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức đối thoại trực tiếp với người dân theo từng cụm dân cư, đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, giúp người dân hiểu sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn, nhân đạo và chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT...
Bên cạnh đó, BHXH Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục tham gia BHYT để hộ gia đình tự kê khai thông tin cá nhân vào mẫu đăng ký tham gia BHYT mà không cần phải phôtô kèm theo bất kỳ giấy tờ gì. Tổ chức thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho người tham gia đúng thời gian quy định.
Các trường hợp cấp lại, đổi thẻ BHYT hoặc cấp giấy xác nhận tham gia BHYT liên tục 5 năm để hưởng quyền lợi BHYT cao hơn sẽ được giải quyết ngay cho đối tượng mà không cần phải hẹn theo thời gian quy định.
Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đối tượng tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT nhanh chóng, kịp thời, chính xác; đồng thời tích cực phối hợp ngành Y tế rà soát, đơn giản hóa thủ tục trong khám, chữa bệnh BHYT nhằm tạo thuận lợi và giảm phiền hà cho người bệnh.
Ngoài ra, mọi vấn đề thu BHYT đều được công khai, minh bạch cho đối tượng tham gia được biết; niêm yết tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh, cấp huyện và ở mỗi điểm thu BHYT của đại lý ở cấp xã về quy trình thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia BHYT, mẫu biên lai thu tiền, mức phí đóng BHYT, tỷ lệ giảm trừ mức đóng của từng thành viên khi tham gia hết hộ...
Thực hiện công tác quản lý nguồn thu quỹ BHYT bảo đảm chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT, không để xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ BHYT hoặc sử dụng quỹ chưa đúng mục đích để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.
NGUYỄN VĂN TÂM