Bánh Phồng Long Trung: Đậm đà vị tết quê hương
Năm nào cũng vậy, dường như không khí chuẩn bị tết ở các vùng quê, trong đó có xã Long Trung, huyện Cai Lậy bắt đầu từ rất sớm. Nghề làm bánh phồng ở đây đã tồn tại ngót nghét hàng chục năm qua.
TẤT BẬT VÀO MÙA
Trong những ngày tháng Chạp âm lịch, những con đường dẫn vào các ấp của xã Long Trung, đặc biệt là ở ấp 7, 8, 11 và 15, không khí dường như nhộn nhịp hẳn lên. Bên trong những vườn sầu riêng là cảnh người nhào bột, bắt bột, cán bánh, phơi bánh nói cười rôm rả. Từ khi những chiếc máy quếch khoai mì có mặt đã giúp cho năng suất cao hơn nhưng vẫn đảm bảo hương vị truyền thống.
Sau khi cán, bánh phồng được xếp lên chiếc đệm bàng mang đi phơi khô.
Theo những người thợ rành nghề nơi đây, để làm ra được chiếc bánh phồng ngon cần đảm bảo từ khâu chọn khoai mì, bí quyết pha các nguyên liệu như: Đường, sữa, nước cốt dừa, đậu nành… Đặc biệt, bánh ngon hay không còn tùy thuộc vào khâu phơi. Nếu nắng tốt, thời gian phơi bánh chỉ từ 3 - 4 giờ.
Bánh ngon còn được tạo nên bằng tất cả sự tận tụy và kinh nghiệm của người thợ làm bánh, với nguồn nguyên liệu đảm bảo, có nguồn gốc rõ ràng và được lựa chọn kỹ lưỡng, tất cả các công đoạn sản xuất được thực hiện đồng bộ trên quy trình khép kín và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, bánh làm ra không chỉ giữ được hương vị và màu sắc tự nhiên vốn có, mà còn mang đến cho người thưởng thức những cảm nhận rất riêng về sự tinh tế, mùi thơm của khoai mì,
vị béo của sữa và nước cốt dừa…
Đến thăm gia đình chú Trần Văn Thiềng, ấp 11, khi có gần 10 lao động đang bắt bột, cán bánh, phơi bánh. Chú cho biết: “Làm bánh phồng là nghề gia truyền của gia đình. Vào tháng 11, 12 âm lịch, các anh chị em lại tụ hợp cùng làm bánh.
Mỗi ngày gia đình chú làm hơn 300 kg khoai mì, cho ra hơn 5.000 bánh. Năm nay, giá bánh phồng tăng hơn so với năm rồi từ 10 - 15%, do giá nguyên liệu tăng. Sản lượng bánh làm ra mỗi ngày đều có người đặt mua, bánh làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết”.
Việc bắt bột cũng phải do quen tay và do người thợ có tay nghề đảm trách. Nếu bột bắt không đều sẽ ảnh hưởng đến kích thước, độ dày - mỏng của chiếc bánh. Chỉ một mình bắt bột nhưng 6 người thợ cán bánh vẫn không theo kịp, đó là chú Trần Văn Kỳ, ấp 8.
Chú Kỳ có 40 năm làm bánh phồng và là người thợ bắt bột “cừ khôi”. Những viên bột tròn được bắt bằng tay nhưng rất đều và chính xác. Sau khi cán, bánh phồng được xếp lên chiếc đệm bàng để mang đi phơi khô.
GIỮ GÌN HƯƠNG VỊ NGÀY TẾT
Cách đây hơn 10 năm thì bánh phồng được làm quanh năm như một nghề chính của những người dân nơi đây, nhưng giờ người dân chỉ làm bánh phồng vào dịp Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Thị Ánh (84 tuổi, ấp 8) chia sẻ: “Ngay từ đời cha của bà đã làm nghề này. Bà học và biết làm bánh phồng từ khi còn nhỏ. Trước kia vào những ngày giáp tết đi tới đâu trong ấp, trong xã cũng thấy làm bánh, phơi bánh trắng cả xóm. Các lò bánh giờ đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do tuổi cao nên bà không còn làm, chỉ phụ con cháu cho đỡ nhớ nghề. Bà luôn động viên con cháu ráng làm, giữ gìn cái nghề truyền thống của gia đình”.
Sản phẩm bánh phồng Long Trung tuy được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng chưa có thương hiệu rộng rãi trên thị trường nên khả năng cạnh tranh không cao. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho người dân không còn mặn mà với nghề làm bánh phồng.
Chú Trần Văn Thiềng tâm huyết: “Làm bánh phồng đòi hỏi người thợ phải thức từ 2 - 3 giờ sáng, làm sạch vỏ khoai mì, hấp chín, lấy xơ, rồi xay và quết nhuyễn. Những việc đó phải làm xong trước 6 giờ sáng để kịp cán bánh và phơi bánh cho đủ nắng. Dù vất vả nhưng hàng năm gia đình đều làm bánh, là cách để tập hợp anh em trong gia đình, tạo việc làm cho bà con trong xóm. Đặc biệt, khi làm bánh mọi người sẽ cảm nhận được không khí xuân đang đến gần”.
Để có thể trụ được với nghề làm bánh phồng đòi hỏi người làm bánh phải có lòng đam mê, giữ nghề truyền thống. Mỗi chiếc bánh phồng làm ra đã góp thêm hương vị cho ngày tết.
Bà Lương Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Long Trung cho biết: “Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng 30 - 40 hộ làm bánh phồng, giảm rất nhiều so với trước đây. Huyện, xã luôn tạo điều kiện cho các hộ gia đình như hỗ trợ vốn mua nguyên liệu làm bánh, tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, vận động người dân gắn bó với nghề, giữ gìn nghề truyền thống. Có thể nói, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ nơi đây háo hức, mong chờ ngày tết chính là cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của chiếc bánh phồng”.
Mọi người hăng say sản xuất để có tết no đủ, nhà nhà đoàn kết để giữ cái nghề cha ông, chính vì thế mỗi chiếc bánh phồng đều có vị đậm đà của tình người, của vị tết quê hương.
P. MAI
.