Thứ Sáu, 29/01/2016, 18:55 (GMT+7)
.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay trên mặt trận giảm nghèo

Công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng như các cấp đã không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm, có nhiều cách làm mới, mô hình hay giúp người dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, số hộ nghèo, cận nghèo, nhà dột nát, tạm bợ của tỉnh giảm đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.

NHIỀU MÔ HÌNH GIẢM NGHÈO HIỆU QUẢ

Có thể nói, công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những ngôi nhà mang tên “Đại đoàn kết”, những phần quà ấm áp nghĩa tình, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường đã góp phần hiện thực hóa mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”.

Huyện Chợ Gạo được xem là một trong những huyện đi đầu trong công tác giảm nghèo với nhiều mô hình hay, trong đó mô hình nuôi bò thoát nghèo được đánh giá cao. Huyện triển khai cho 200 hộ dân ở các xã vay với tổng số vốn trên 1,2 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được vận động từ quỹ “Vì người nghèo” của huyện.

Sau thời gian nuôi, trả hết nợ, nhiều hộ đã có trong tay số vốn nhỏ có thể chăn nuôi, trồng màu để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình chú Nguyễn Văn Thắm và Huỳnh Văn Tư ở ấp Bình Thành, xã Đăng Hưng Phước đã thoát nghèo nhờ vay vốn chăn nuôi bò.

Bên cạnh dự án cho hộ nghèo mượn vốn nuôi bò, MTTQ còn phối hợp với các ngành triển khai nhiều dự án khác như: Cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo mượn vốn buôn bán, mở lớp dạy nghề, tạo việc làm, chăn nuôi heo, trồng thanh long…

Từ đó đã giúp cho hàng trăm hộ vay, thời hạn vay từ 1 - 3 năm không tính lãi, với số vốn hàng trăm triệu đồng. Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ huyện, các mô hình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 7,24% (vào cuối năm 2008) xuống còn 4,42% (năm 2014).

Đến thăm gia đình anh Trần Văn Lớn ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông đúng dịp anh đang sửa nhà. Anh Lớn phấn khởi: “Gia đình tôi vừa được thoát nghèo. Cũng nhờ vào dự án thoát nghèo, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con dê nái. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thì hỗ trợ vốn cho mua máy xe nhang. Vợ chồng tôi giờ đã có việc làm thường xuyên, ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.

Ở huyện Tân Phước, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng được quan tâm thực hiện tốt, với những việc làm thiết thực như: Hỗ trợ vốn cho nông dân, phụ nữ, thanh niên phát triển kinh tế; chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả; hỗ trợ cây, con giống; vận động trao quà, học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật… Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn trên 7,2%, giảm 4,15% so với năm 2014.

XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vận động toàn xã hội cùng chăm lo cho người nghèo. Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đề ra những mục tiêu, chương trình hành động cụ thể, chú trọng Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (NVNN).

Anh Trần Văn Lớn, huyện Tân Phú Đông được hỗ trợ dê giống.
Anh Trần Văn Lớn, huyện Tân Phú Đông được hỗ trợ dê giống.

Cuộc vận động NVNN mang tính nhân văn sâu sắc, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, do đó luôn nhận được sự ủng hộ tự nguyện của mọi tầng lớp nhân dân. Triển khai thực hiện kế hoạch 33 của Ban Vận động NVNN năm 2015, trong đó tập trung cao điểm: Chào mừng Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban vận động các cấp đã huy động được trên 73 tỷ đồng, trong đó chương trình an sinh xã hội trên 57 tỷ đồng, quỹ “Vì người nghèo” vận động được hơn 16 tỷ đồng.

MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động xây dựng 27 nhà tình nghĩa, 718 nhà đại đoàn kết; thực hiện 17 dự án hỗ trợ cho 167 hộ nghèo trên 1,3 tỷ đồng; củng cố và nhân rộng 30 mô hình giúp nhau phát triển kinh tế…

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã không ngần ngại đóng góp hàng trăm triệu đồng vào quỹ “Vì người nghèo”. Trong đó, những đơn vị, cơ quan làm tốt như Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tiền Giang, Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền, Công ty Xăng dầu Tiền Giang, Viễn thông Tiền Giang…

Phong trào giúp đỡ, ủng hộ người nghèo ngày càng sát với thực tế hơn. Hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng lớn. Các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân tham gia ngày càng nhiều với những hình thức khác nhau.

Các cơ quan, đơn vị đã vận động cán bộ, công nhân viên ủng hộ tiền lương, trích từ nguồn tiết kiệm. Vận động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ngoài tỉnh, đồng hương Tiền Giang thành đạt trong và ngoài nước giúp dân nghèo xây dựng nhà ở, hỗ trợ vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi...

Có thể nói, từ một chủ trương hợp lòng dân, Cuộc vận động NVNN trong những năm qua không chỉ dừng lại ở việc giúp người nghèo về vật chất, mà quan trọng là khơi dậy được tính cộng đồng, trách nhiệm, kêu gọi sức mạnh đoàn kết của mọi tấm lòng, cùng giúp người nghèo thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Hiện Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thu hút nhiều hơn nữa những tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ hỗ trợ người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

P. MAI

.
.
.