Những ngày cuối năm...: Tết của người nông dân
Sau 30 năm đổi mới, đặc biệt là 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân nói chung, người nông dân nói riêng đã có bước thay đổi đáng kể. Song ở “góc khuất” nào đó, cái tết của không ít người nông dân cũng còn lắm nỗi lo toan.
Nhiều hộ nông dân đang trông chờ vào mùa trái cây tết. |
1. Chúng tôi không thể khắc họa hết cái tết của tất cả những người nông dân. Bởi trên thực tế, mặc dù là nông dân thực thụ nhưng rất nhiều người đã có của ăn của để, cuộc sống sung túc hơn trước đây rất nhiều. Không ít người đã trở thành “đại gia” ngay trên chính mảnh đất, thửa ruộng của mình.
Và tất nhiên trong “góc khuất” nào đó, vẫn còn không ít nông dân vẫn từng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống thường ngày cũng chưa thể đủ no ấm, nói chi đến mấy ngày tết. Đối với không ít nông dân việc bán được mớ rau, con cá, ít giỏ hoa sẽ là niềm vui không nhỏ khi những ngày tết đến.
Làm lụng vất vả quanh năm, ai cũng mong có những cái tết no đủ, sum vầy. Nhưng với không ít người nông dân, đó lại là một câu chuyện khác. Ông Nguyễn Văn Lộc, 65 tuổi (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo) là một nông dân thực thụ. Bởi từ khi lập gia đình năm 21 tuổi đến nay, ông đã gắn cả cuộc đời với nghề nông. Được cha mẹ chia cho 3 công đất, giai đoạn đầu ông làm lúa.
Năm được năm mất nhưng ít ra, theo như cách ông nói, là “đủ gạo để con cái ăn học”. 4 người con lần lượt ra đời, lớn lên cũng chính từ cây lúa, hạt gạo mà vợ chồng ông làm ra. Khi phong trào trồng nhãn tiêu Huế nhen nhóm trên vùng đất Chợ Gạo, nhờ thuận lợi là mảnh đất cặp sông Tiền, nước ngọt gần như quanh năm, ông là một trong những người đầu tiên lên vườn chuyển đổi cây trồng.
Sau khi trồng nhãn, cũng năm được mùa năm mất mùa, nhưng gia đình cũng tạm đủ sống. 4 người con của ông lớn lên đã dựng vợ gả chồng, ra riêng, nhưng cũng chẳng khá giả gì. Hàng chục năm nay cái tết của gia đình ông chủ yếu dựa vào mùa nhãn cuối năm.
Vậy tết năm nay thế nào? - Chúng tôi hỏi. Trầm ngâm đôi chút, ông Lộc nói, chắc tết năm nay “ăn nhỏ lại”. Bởi cùng thời điểm này năm trước nhãn tiêu Huế có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, chỉ riêng mùa tết cũng thu được hơn 20 triệu đồng. Còn năm nay giá nhãn tiêu Huế chỉ còn chưa đến 4.000 đồng/kg, tính ra không đủ trả tiền công hái trái và tiền phân bón.
“Thay vì mùa này năm trước tôi hái được gần 2 tấn trái, năm nay chưa đầy 1 tấn, trong khi giá bán thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây. Thôi thì, nông dân mà, mùa được mùa mất cũng là lẽ thường. Mắm muối, dưa cà gì đó rồi cũng xong mấy ngày tết” - ông Nguyễn Văn Lộc cho biết.
Mỗi người nông dân có một lý do để trông đợi riêng. Với anh Nguyễn Thanh Tiến (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) cũng đã “bám đất, bám ruộng” hơn chục năm kể từ khi lập gia đình và ra ở riêng. Cuộc sống của gia đình nhỏ này cũng chủ yếu dựa vào 2 công đất mà cha mẹ chia cho. Năm được mùa, năm mất nhưng anh vẫn phải bám víu vào nguồn thu của những vụ mùa bấp bênh.
Ngày thường, anh Tiến làm đủ thứ nghề như thợ hồ, xịt thuốc thanh long thuê và cả chạy xe ôm, nhưng kiếm được đồng nào thì lo cho bữa ăn gia đình ngày đó. Riêng vào dịp gần tết, vợ chồng anh còn tranh thủ trồng thêm một số giỏ hoa phượng hoàng, mào gà để bán kiếm thêm chút ít mua đồ cho con. Năm nay cũng vậy, vợ chồng anh trồng được 200 giỏ hoa, nếu bán hết cũng kiếm được chút ít tiền chợ tết. Tết năm nào vợ chồng anh cũng trông cậy vào những giỏ hoa như thế.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi lông Cổ Cò đang chuẩn bị thu hoạch, ông Huỳnh Nguyên Anh (xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè) nói rằng, tết năm nay gia đình ông trông cậy vào đám bưởi này. Số là, vừa qua ông đã cải tạo khu vườn rộng khoảng 4 công đất để trồng bưởi lông Cổ Cò. Sau hơn 2 năm trồng theo mô hình canh tác mới, vườn bưởi của ông đã cho lứa trái đầu tiên.
“Nông dân mà, nên tụi tôi chỉ trông đợi vào thu hoạch vụ mùa. Tết cũng vậy thôi, nếu bán được giá thì ăn tết lớn, còn giá bán thấp thì chi tiêu dè xẻn hơn. Năm ngoái loại bưởi này có giá khoảng 50.000 đồng/kg, không biết năm nay thế nào. Chúng tôi cũng đang hy vọng bưởi có giá tốt để có được cái tết đủ đầy hơn” - ông Huỳnh Nguyên Anh chia sẻ.
2. Không chỉ trông chờ vào việc bán được ít giỏ hoa, ít trái cây, mà có không ít nông dân đang trông đợi vào những người con đang làm ăn xa. Tết đến, xuân về những người con đi làm ăn xa về sum vầy với gia đình là lẽ đương nhiên, nhưng với không ít người nông dân còn có câu chuyện khác.
Bởi mấy năm nay, người làm nông nghiệp luôn chật vật vì cứ được mùa mất giá. Hệ quả là không ít người, chủ yếu là thanh niên, rời bỏ đồng ruộng để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Họ cũng thừa biết rằng, đi làm công nhân cũng phải thấm đẫm mồ hôi, nhưng ít ra thu nhập vẫn ổn định hơn việc bám ruộng, bám vườn.
Và rồi có một thực tế là không ít gia đình ở nông thôn chỉ còn có người già và trẻ em gắn bó với nghề nông. Gia đình ông Nguyễn Văn Quốc (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) là một trong những trường hợp như thế. Ông có đến 6 người con, đứa nhỏ nhất cũng đã hơn 20 tuổi. Cuộc sống khó khăn, hầu hết những người con của ông chỉ học đến lớp 9.
Khi “phong trào” đi làm công nhân lan rộng về nông thôn, lần lượt những người con của ông đã rời bỏ làng quê đến các nhà máy, xí nghiệp. Những người con lớn của ông cũng đã lập gia đình và có cuộc sống riêng. “Đến 27, 28 tháng Chạp tụi nhỏ mới nghỉ làm, về nhà. Đứa mua cái này, đứa sắm món kia, chứ vợ chồng tui lớn tuổi rồi, đâu làm gì ra tiền. Năm nào cũng thế, dù không bằng người ta nhưng cái tết nào cũng vui vẻ” - ông Nguyễn Văn Quốc tâm sự.
Trong những câu chuyện mà chúng tôi góp nhặt được vào những ngày cuối năm còn có gia đình của ông Bùi Văn Q. (xã Bình Đông, TX. Gò Công). Ông có đến 4 người con đều san sát tuổi nhau và đều đi làm ăn xa. Bởi mảnh đất “khó” Bình Đông này không thể giữ chân những người con của ông. Họ ra đi cũng bởi miếng cơm manh áo.
Ông Q. cho biết, gia đình cũng được 4 công ruộng nhưng do điều kiện sản xuất khó khăn, mỗi năm được 2 vụ lúa, năng suất không cao. Chưa đầy 20 tuổi là những đứa con của ông phải đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ về nhà được đôi ba lần, chỉ có tết là về đông đủ. “Tụi nhỏ không được học hành tới đâu nên cũng chỉ làm công nhân bình thường, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày chứ đâu có dư giả là bao. Những ngày tết, tụi nhỏ gom về, có chi dùng nấy chứ so bì với các gia đình khác sao được” - ông Bùi Văn Q. nói.
Mười mấy năm trước, cứ đến độ rằm tháng Chạp nhà nhà ở nông thôn chuẩn bị làm bánh phồng, bánh tráng... để mở đầu cho việc đón tết, đó là nét đẹp truyền thống. Cái tết ở nông thôn giờ đây đã khác đi nhiều, gia đình khá giả thì đi mua sắm trước, những gia đình khó khăn chờ vào những phiên chợ cuối năm để bán mớ trái cây, ít gà vịt để có tiền mua sắm tết.
Vào những ngày cuối năm này, khi tiết trời se lạnh báo hiệu cái tết đang đến rất gần, nhưng có nhiều gia đình nông thôn chưa chuẩn bị gì cho ngày tết truyền thống. Có không ít gia đình chúng tôi gặp đã nói, chắc chờ tụi nhỏ về!
MINH THANH (Còn tiếp)