Nỗi lo thiếu nước sạch ở vùng cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công
Gò Công Đông là nơi nằm ở cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công. Những năm qua, một số nơi ở các xã Tân Phước, Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành luôn ở trong tình trạng thiếu nước sạch sử dụng. Có nước sạch để sử dụng luôn là niềm mong mỏi của người dân nơi đây, thoát khỏi cảnh sử dụng những nguồn nước thiếu an toàn. Nhiều giải pháp khác nhau đã được bà con nơi đây thực hiện với mong muốn có đủ nước để sinh hoạt vào mùa khô.
Người dân bơm nước từ kinh, rạch lên để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. |
Bài toán nan giải
Trong suốt những năm qua, câu chuyện nước sạch luôn là vấn đề mà các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Thiếu nước sạch là một vấn đề nan giải và diễn ra trầm trọng vào mùa khô, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện nay, một số nơi ở các xã cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công vẫn chưa có nước máy để sử dụng. Để có nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày, người dân phải sử dụng nước từ các hệ thống ao, hồ, kinh, rạch. Nước được lấy lên từ kinh, rạch sẽ được người dân dùng thuốc để xử lý, giảm phèn, mặn rồi mới sử dụng, một số sẽ được dùng trực tiếp. Ngoài những nguồn nước trên, tại những nơi chưa có nước sạch sử dụng, người dân nơi đây còn tận dụng nước mưa để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều gia đình đã xây hồ, mua kiệu, lu chứa nước mưa để sử dụng.
Bà Nguyễn Thị So (51 tuổi, ngụ ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Hiện gia đình tôi vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày chủ yếu là lấy từ nước kinh, việc ăn uống, tắm rửa thì dựa vào nguồn nước mưa. Những năm trước, vào mùa khô hễ mấy con kinh xung quanh nhà bị khô cạn, phải đi gánh nước từ những nơi khác về nhà để sử dụng, vất vả trăm bề!”.
Nguồn nước sạch do Nhà nước cung cấp hiện tại chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân nơi đây, hệ thống ống dẫn nước chưa thể len lỏi vào sâu bên trong, chủ yếu nằm ở những trục đường chính. Những hộ dân nằm ở những vùng ven, sâu trong nội đồng vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sạch, sử dụng những nguồn nước thiếu an toàn.
Nguồn nước kinh bị cỏ, lục bình làm ô nhiễm. |
Năm nay, tình hình thời tiết diễn ra thất thường, lượng mưa ít hơn hẳn mọi năm khiến cho nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của những hộ dân nơi đây trở nên khan hiếm. Xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn gây ảnh hưởng lớn tới nguồn nước ở các hệ thống kinh rạch, khó khăn chồng chất khó khăn. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những điều làm cho nhiều người quan ngại.
Việc sản xuất nông nghiệp, cùng với đó là việc xả trực tiếp chất thải chăn nuôi xuống các kinh, rạch làm cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Ông Nguyễn Hoài Đức (60 tuổi, ngụ ấp Bắc 1, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Nguồn nước ở các con kinh, rạch ngày càng ô nhiễm do chăn thả vịt, cùng với đó là cỏ, lục bình làm cho nguồn nước ngày càng thiếu an toàn. Gia đình tôi sử dụng nước ở kinh để tắm rửa, nhiều lúc tắm bị ngứa ngáy, khó chịu. Vào mùa khô nước ở kinh bị khô cạn, toàn là bùn sình không thể sử dụng được”.
Bên cạnh việc dùng nguồn nước từ kinh, rạch thì nước mưa được xem như là loại nước truyền thống được người dân sử dụng trong sinh hoạt từ bao đời nay. Tuy nhiên, nguồn nước trời cho này vẫn chưa thể đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Với đặc trưng là vùng đất mặn, cho nên nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn, mặn nặng, từ đó không thể sử dụng được.
Giải pháp ứng phó
Trong những năm qua, người dân ở cuối nguồn ngọt hóa vẫn phải sống với cảnh thiếu nước sạch sử dụng. Để đảm bảo có đủ nước dùng trong mùa khô, nhiều người đã xây hồ, mua thêm kiệu, lu để tích trữ nước mưa. Một số thì đào ao, đìa để tích trữ nước dùng trong những ngày khô hạn.
Ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện nay tỷ lệ sử dụng nước máy ở xã là 56%. Những năm trước, hầu như xã vẫn chưa có giải pháp gì để giải quyết cho những hộ thiếu nước sạch sử dụng, chủ yếu là do người dân tự dự trữ để dùng. Xã chỉ có lắp đặt một số vòi nước công cộng để người dân đến lấy nước về sử dụng.
Ngoài ra, đối với những hộ thiếu nước sạch để sử dụng, ngoài việc tận dụng nguồn nước mưa, ao, hồ, kinh, rạch thì giải pháp giúp họ có nước để sử dụng đó là việc đổi nước. Nước được đổi từ những ghe, xe chở nước hoặc những gia đình có nước máy với mức giá khác nhau.
Ông Phạm Hồng Phúc cho biết thêm, để đảm bảo người dân có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô, xã đã đưa ra những khuyến cáo để bà con chủ động trong việc tích trữ nước. Ngoài ra để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước kinh, rạch, UBND xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, kết hợp với Đồn Biên phòng Tân Thành, nhân dân trong ấp hàng tháng chung tay trục vớt lục bình mang lại những kết quả tích cực. Đối với những hộ chăn nuôi xả chất thải xuống kinh, xã sẽ nhắc nhở, vận động, xử lý để đảm bảo chăn nuôi hợp vệ sinh và không gây ô nhiễm nguồn nước.
Để đảm bảo nguồn nước ở các tuyến kinh không bị cạn thì những địa phương ở đây thường xuyên tiến hành khảo sát và nạo vét để đảm bảo có đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân. “Hiện xã đang trông chờ vào Dự án nước BOO Đồng Tâm để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sử dụng ở địa phương, giúp người dân giảm bớt khó khăn” - ông Phạm Hồng Phúc cho biết.
MINH THÀNH