Phòng, chống ô nhiễm nguồn nước: Cần có sự chung tay của người dân
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước những tuyến kinh, rạch nội đồng ở cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công diễn ra từ nhiều năm nay. Với việc nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện để hạn chế tình trạng ô nhiễm, tuy nhiên cho đến nay tình trạng này vẫn còn tái diễn.
Người dân sử dụng nguồn nước kinh, rạch ô nhiễm cho sinh hoạt hàng ngày. |
Có xu hướng gia tăng
Đến với các xã thuộc vùng cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công vào những ngày này, chúng ta dễ dàng nhận thấy tình trạng chung đó chính là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống kinh, rạch. Kinh, rạch ở một số nơi bị cỏ, lục bình phủ kín cản trở dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, việc vứt rác thải sinh hoạt và chăn thả gia cầm dưới lòng kinh cũng làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Dọc theo tuyến kinh giáp ranh 2 xã Tân Điền và Bình Ân (huyện Gò Công Đông), có chiều dài khoảng 1 cây số. Nước ở đây có màu xanh đen, lòng kinh bị che kín bởi lục bình rất khó để tìm được một khoảng thông thoáng.
Cô Trần Thị Then (43 tuổi, ngụ ấp Kinh Dưới, xã Bình Ân) cho biết: “Trước đây, mọi sinh hoạt của gia đình tôi hầu như đều dựa vào nguồn nước kinh. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn nước ở kinh này ngày càng bị ô nhiễm, bây giờ chỉ dùng để giặt giũ và rửa chén, bát”.
Rời xã Bình Ân, chúng tôi men theo những con đường chông chênh để đến với xã Tân Điền. Dọc theo những tuyến đường dân sinh là những tuyến kinh nối dài thẳng tắp, tại đây ngoài lục bình thì rác thải từ việc thu hoạch hoa màu đã gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Tại tuyến kinh Mới (thuộc ấp Hộ, xã Tân Điền) chúng tôi bắt gặp việc người dân rào lưới chăn thả vịt dưới lòng kinh, làm cho nguồn nước bị vẩn đục, không đảm bảo an toàn đối với những hộ dân sử dụng nước từ kinh.
Ông Nguyễn Hoài Đức (ngụ ấp Bắc 1, xã Tân Điền) bày tỏ: “Bà con nơi đây không có nước sạch để dùng, nguồn nước được sử dụng chủ yếu là từ kinh, rạch. Tuy nhiên việc chăn thả vịt, vứt rác bừa bãi làm cho nguồn nước bị ô nhiễm”.
Ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Điền cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các kinh, rạch trên địa bàn xã hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Cỏ, lục bình gây ùn ứ làm cản trở dòng chảy, cùng với đó là một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do điều kiện kinh tế khó khăn nên đã thải chất thải xuống kinh gây ô nhiễm.
Hiện tại, nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm nguồn nước ở những tuyến kinh, rạch nội đồng là do cỏ, lục bình. Ngoài ra, do ý thức của người dân chưa cao trong việc bảo vệ nguồn nước mà cụ thể là việc vứt rác thải sinh hoạt, xác gia súc, gia cầm, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cùng với đó là việc xả chất thải trong chăn nuôi xuống lòng kinh gây ô nhiễm nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Đâu (40 tuổi, ngụ ấp Cầu Xây, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) bày tỏ: “Con kinh trước cửa nhà tôi bị lục bình phủ kín từ nhiều tháng nay. Ở xung quanh đây, có một số hộ nuôi cá sau đó xả nước thải ra kinh rạch, cùng với đó là việc người dân chưa ý thức được việc bảo vệ môi trường. Một số người đem rác thải vứt xuống kinh mặc cho gần đây có bãi rác của huyện, từ đó làm cho nguồn nước bị ô nhiễm”.
Thời điểm này, các hệ thống cống thủy lợi ở địa phương đều đã đóng để ngăn mặn. Chính điều này đã làm cho nguồn nước ở những tuyến kinh nội đồng trở nên ô nhiễm nặng hơn, nguồn nước bẩn, cỏ, lục bình không thể thoát ra ngoài được.
Trục vớt lục bình ở xã Tân Điền. |
Giải pháp ứng phó
Đối với những nơi chưa có nước sạch để sử dụng thì nguồn nước từ hệ thống kinh, rạch được xem như là cứu tinh cho những hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay việc ô nhiễm nguồn nước nơi các kinh, rạch đang có xu hướng gia tăng đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của nhiều hộ dân.
Theo ông Phạm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Điền, để bảo vệ nguồn nước ở các kinh, rạch không bị ô nhiễm, UBND xã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với đời sống, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước.
Giữ sạch nguồn nước bằng cách vận động nhân dân không xả rác bừa bãi xuống các kinh, rạch. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không vứt chai, lọ, bao bì bừa bãi xuống kinh, rạch, trên đồng ruộng mà nên đem về nhà để xử lý hoặc mang đến hố chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật của xã. Hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước.
Đối với cỏ, lục bình gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, UBND xã Tân Điền có chỉ đạo Đoàn Thanh niên, kết hợp Đồn Biên phòng Tân Thành, học sinh Trường THCS Võ Văn Kiết, nhân dân trong các ấp chung tay trục vớt lục bình, phát hoang bụi rậm, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh, rạch.
Ông Phạm Hồng Phúc cho biết thêm, đối với việc ô nhiễm nguồn nước do chăn nuôi gây ra, UBND xã có thành lập tổ kiểm tra về môi trường. Tổ này thường xuyên kiểm tra, rà soát, khi phát hiện tình trạng chăn nuôi có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước sẽ nhắc nhở; đồng thời cho hộ vi phạm làm cam kết, trường hợp hộ không khắc phục thì sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, tổ kiểm tra còn thường xuyên liên hệ với các trưởng ấp để nắm bắt thông tin và kịp thời giải quyết vấn đề có liên quan tới môi trường tại các ấp. “Để đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống ô nhiễm nguồn nước kinh, rạch, thì cần sự chung tay của tất cả mọi người để đạt hiệu quả tốt nhất” - ông Phạm Hồng Phúc cho biết.
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước kinh, rạch nội đồng hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Các giải pháp đã được đưa ra để ứng phó với tình hình trên nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm. Để đạt được hiệu quả tối ưu thì cần có sự chung tay của người dân và các cấp, ngành vì một nguồn nước an toàn và một môi trường xanh, sạch.
MINH THÀNH