TP. Mỹ Tho: Đẩy mạnh phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM"
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, TP. Mỹ Tho đã ra mắt được 2 xã NTM; 4 xã còn lại dự kiến sẽ hoàn thành 19 tiêu chí trong giai đoạn 2016 - 2020 và phấn đấu ra mắt vào cuối năm 2018.
Phát huy nội lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, Đảng bộ, chính quyền TP. Mỹ Tho xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy nội lực, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.
Với chủ trương trên, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Trọng Hữu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Với các hình thức tuyên truyền phong phú qua báo, đài, panô, áp phích, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị đã dấy lên một khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp, các ngành; trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỹ Tho chung sức xây dựng NTM”.
Thông qua công tác tuyên truyền, thành phố đã vận động được 9,5 tỷ đồng để chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng được 393 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng 197 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, phát huy phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong đoàn viên, hội viên, nhiều dự án đã được các ngân hàng hỗ trợ vốn cho gần 200 ngàn lượt người với số tiền gần 720 tỷ đồng, giúp cho gần 2.000 hộ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức các đoàn thể vận động nhân dân tự nguyện hiến trên 65.000m2 đất trị giá trên 85 tỷ đồng, tham gia đóng góp hơn 200.000 ngày công lao động và đóng góp trên 75 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá và các công trình phúc lợi trong xây dựng NTM.
Vì vậy có thể nói, công tác tuyên truyền đã nâng cao được nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”.
Hiệu quả từ phong trào thi đua
Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: -Đẩy mạnh phong trào thi đua, Ban chỉ đạo chương trình đã chỉ đạo 6/6 xã tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM.
Đồng thời, chỉ đạo các phường đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí Phường văn minh đô thị. Quá trình thực hiện đề án, thành phố đã huy động từ các nguồn vốn được 383.861,7 triệu đồng (trong đó vốn nhân dân đóng góp và huy động từ các doanh nghiệp được 78.378 triệu đồng, chiếm 21%), để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Cụ thể: Về giao thông, đã thi công 156 công trình với tổng số tiền 124.985,1 triệu đồng. Về thuỷ lợi nạo vét bằng cơ giới 55 công trình với kinh phí 66.198,5 triệu đồng. Về điện nông thôn xây dựng mới 22 tuyến đường dây trung áp, 166 tuyến đường dây hạ áp với chiều dài 40.705m, lắp đặt 2 trạm biến áp 50KVA với kinh phí 11.999,56 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng). Về trường học xây mới và nâng cấp 11 công trình với kinh phí 84.221,9 triệu đồng.
Về y tế, đầu tư 9.289,9 triệu đồng. Về cơ sở vật chất văn hoá đầu tư 13.385, 3 triệu đồng. Ngoài ra, để thực hiện tiêu chí 11: Hộ nghèo, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đẩy mạnh phát triển sản xuất, đào tạo nghề nâng cao thu nhập cho người dân bằng các giải pháp:
Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn người dân trên địa bàn các xã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, góp phần tạo công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Điển hình như xã Tân Mỹ Chánh và xã Mỹ Phong đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất hàng hoá như các dự án sản xuất hoa kiểng, cây thanh long, cây ca cao, rau an toàn; cải tạo đàn heo giống, chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại. Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hình thức kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề truyền thống; trong đó thành phố đã phê duyệt 4 mô hình với tổng nguồn vốn 329 triệu đồng cùng với nguồn vốn của nhân dân đóng góp gần 110 triệu đồng.
Mặt khác, thành phố đã chủ động tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ quản lý, thông tin về thị trường và ứng dụng các tiến bộ về công nghệ, khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện vay vốn cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Với những giải pháp triển khai đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn thành phố tăng trưởng hằng năm, đến cuối năm đạt bình quân 31,28 triệu đồng/người/năm, trong khi đó kế hoạch năm 2015 của thành phố đề ra là 29 triệu đồng/người/năm.
Với những nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, tính đến thời điểm hiện nay, TP. Mỹ Tho đã ra mắt được 2 xã NTM là Tân Mỹ Chánh và Mỹ Phong, 4 xã còn lại thành phố dự kiến sẽ hoàn thành 19 tiêu chí trong giai đoạn 2016 - 2020 và quyết tâm ra mắt vào cuối năm 2018.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG