Vì sự an toàn giao thông trên các tuyến, cảng, bến thủy nội địa
Trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) diễn biến phức tạp, tiềm ẩn tai nạn giao thông, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh - vượt, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, người tham gia giao thông chủ quan, chưa có ý thức chấp hành đúng các quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ…
Tập thể cán bộ, viên chức Cảng vụ đường thủy nội địa Tiền Giang. |
Thực tế cho thấy, việc quản lý, cấp phép các phương tiện vận chuyển đường thủy còn nhiều bất cập, lỏng lẻo nên còn nhiều phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, nhất là người không có bằng, chứng chỉ chuyên môn vẫn thường xuyên tham gia giao thông, làm cho tình hình trật tự giao thông ĐTNĐ càng phức tạp hơn, đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp thiết thực để quản lý hiệu quả hơn trên lĩnh vực này.
Địa bàn tỉnh Tiền Giang với hệ thống sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, có những tuyến giao thông thủy rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong hoạt động giao thông đường thủy trong khu vực như: Sông Tiền có nhiều tàu quốc tế quá cảnh, kinh Chợ Gạo - tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn phương tiện qua lại hàng ngày, đa phần là các phương tiện có tải trọng lớn.
Các phương tiện vận tải đường thủy của Tiền Giang luôn gắn liền với đời sống và sản xuất hàng ngày của người dân nơi đây, nhất là các phương tiện vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên tham gia trên các tuyến giao thông.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 93 tuyến sông, kinh, rạch, trong đó cấp tỉnh quản lý 38 tuyến, với tổng chiều dài 480 km; cấp huyện quản lý 55 tuyến, với tổng chiều dài 328 km. Tuy vậy, các cơ quan Trung ương và địa phương chỉ mới quản lý chưa được 50% tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh so với thực tế, nhiều nhất là các tuyến sông, kinh nhỏ ở vùng nông thôn.
Song song đó, các phương tiện thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm chiếm tỷ lệ thấp, các ngành chức năng rất khó quản lý; hạ tầng đường thủy không đảm bảo an toàn; biển báo, phao tiêu, luồng lạch chưa được đầu tư đồng bộ so với sự phát triển ngày càng nhanh về số lượng các phương tiện giao thông thủy hiện nay, làm cho các phương tiện lưu thông không được đảm bảo an toàn, nhất là hành trình vào ban đêm.
Đối với cảng và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cảng lớn (Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng, Cảng kho Quang Trung, Cảng kho Bình Đức, Cảng nông sản Việt Nguyên, Cảng Lê Thạch) và trên 200 bến thủy lớn, nhỏ đang hoạt động ngày đêm, nhưng đến nay tỉnh mới chỉ cấp 50 giấy phép mở bến theo Thông tư 50/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), nghĩa là số lượng bến thủy nội địa chưa có phép còn rất lớn, nhưng vẫn hoạt động thường xuyên.
Một thực trạng khác, trong thời gian qua, quá trình hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa dù có cấp được phép cũng chưa được quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về các điều kiện an toàn trong quá trình khai thác; các phương tiện rời bến, cập bến chưa được kiểm tra điều kiện an toàn nên trong hành trình luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy.
Mặt khác, hiện nay ở các bến thủy nội địa, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, các phương tiện xả thải các chất độc hại (dầu cặn, nhớt cặn, rác sinh hoạt…) trực tiếp ra sông, kinh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân sống ven sông.
Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Sở GT-VT, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về GTVT ĐTNĐ tại cảng, bến thủy nội địa, nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Cụ thể như: Tăng cường kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa; thông báo tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan; giám sát việc khai thác, sử dụng cầu tàu, bến đảm bảo an toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong phạm vi quản lý…
Đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về GTVT ĐTNĐ cho những người trực tiếp tham gia giao thông đường thủy và nhân dân, trọng tâm là tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giao thông ĐTNĐ bằng nhiều hình thức, biện pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông và tình hình kinh tế, dân trí từng khu vực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ĐTNĐ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy, vì sự an toàn của mỗi người dân, vì lợi ích của toàn xã hội.
Trong công tác tuyên truyền, bên cạnh việc phản ánh tình trạng vi phạm, cần có đánh giá đúng thực trạng, làm rõ nguyên nhân để các cấp quản lý có giải pháp khắc phục kịp thời. Trong các phong trào thi đua cần đề cao tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong hoạt động giao thông ĐTNĐ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ.
Ông Bùi Trung Nhân, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Tiền Giang cho biết, nhằm lập lại trật tự ở các cảng, bến thủy nội địa, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, sắp tới Cảng vụ ĐTNĐ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tuyên truyền đến các cảng, bến thủy nội địa về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ, vệ sinh môi trường; tập trung kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người điều khiển phương tiện, giấy phép mở bến, phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa…, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh.
LÊ HUỲNH